Đồng ý nhưng vẫn… sợ
Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNNT) vừa có công văn đề nghị Sở NNPTNT Bình Định thực hiện việc sửa chữa tàu 67 hư hỏng. Theo đó, trước khi sửa chữa phải phối hợp các bên liên quan, tiến hành khảo sát để xác định hư hỏng cần sửa chữa, thay thế đối với mỗi tàu. Xây dựng phương án sửa chữa để làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
“Đối với vật liệu đóng tàu, máy chính, máy phụ, các thiết bị được sửa chữa thay thế phải đồng bộ, phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, thỏa mãn các quy phạm kỹ thuật về tàu cá và các quy phạm kỹ thuật có liên quan. Riêng về vỏ tàu, phải đạt tối thiếu cấp thép A theo QCVN 21:2010/BGTVT”- công văn cho hay.
Công nhân Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang khắc phục sự cố trên tàu 67. |
Theo ngư dân Mai Văn Chương - Chủ tàu BĐ 99179 TS, ông đã thống nhất với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về việc phần vỏ tàu là thép Trung Quốc không đạt cấp thép A (theo QCVN 21:2010/BGTVT) sẽ được tháo bỏ để thay thế, còn phần vỏ đạt cấp thép A sẽ được giữ nguyên.
“Chúng tôi đã đồng ý ký vào văn bản nhưng rất sợ khi ra khơi tàu lại hỏng vì chất liệu theo thanh toán hợp đồng của chúng tôi là thép Hàn Quốc chứ không phải Trung Quốc. Nhưng nếu phải thay toàn bộ thép theo đúng hợp đồng, e rằng sẽ mất thêm thời gian nằm bờ, chúng tôi lại phải chịu lãi ngân hàng nữa”- ngư dân Chương chia sẻ.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý - chủ tàu BĐ 99004 TS đề nghị: “Phần thép Trung Quốc không đủ cấp thép A nhất định phải tháo ra, giữ lại thép đủ cấp A… nhưng yêu cầu công ty phải trả tiền chênh lệch cho ngư dân trả nợ cho ngân hàng. Chúng tôi đã thống nhất và dự kiến tàu lên nhà máy ở Tam Quan để sửa chữa”.
Theo ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, phía công ty và 5 chủ tàu đã thống nhất và chốt phương án thời gian sửa chữa tàu 67 hư hỏng bằng văn bản cam kết. “Sau khi công ty khảo sát, xác định xong công việc… tôi sẽ cho công nhân làm luôn, với tinh thần nhanh nhất, còn chưa thể nói hạn cuối cùng xong là khi nào. Về phần thép Trung Quốc không đạt cấp thép A thì tháo ra thay lại, còn đạt thì giữ nguyên. Phần này, công ty đã cam kết sẽ căn cứ theo giá hiện hành để trả lại tiền chênh lệch cho ngư dân”- ông Nguyên nói.
Một con tàu 67 bị hư hỏng nặng nề. |
Thay thế máy tàu không chính hãng
Tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) 7 tàu được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đã được lên đà chuẩn bị sửa chữa. Sau nhiều lần cự cãi với doanh nghiệp, đây là “sự kiện” được ngư dân mong chờ từ rất lâu.
"“Trong quá trình sửa chữa tàu 67 hư hỏng, đăng kiểm viên phải kiểm tra thiết bị, vật tư và phải ký văn bản xác nhận trước khi lắp đặt máy. Đồng thời, giám sát việc thực hiện lắp đặt đúng thiết bị, đúng quy trình. Khi việc sửa chữa tàu hoàn thành, trước khi tàu xuất xưởng đi khai thác, đăng kiểm viên lại kiểm tra chất lượng con tàu” - ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định. |
Ngư dân Nguyễn Ảnh- chủ tàu BĐ 99678 TS được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trú xã Hoài Thanh) cho biết: “Ngư dân chúng tôi quá mệt mỏi, trước đây tàu đóng ngoài công ty tận Hải Phòng nên không thường xuyên có mặt. Ngư dân lại tin vào doanh nghiệp, đăng kiểm nhà nước nhưng đâu ngờ về đi được mấy chuyến biển thì tàu bị sự cố gỉ sét, máy tàu hoạt động không ổn định”.
Theo nhiều ngư dân, để doanh nghiệp đưa tàu lên bờ sửa chữa họ phải “trắng đêm” tìm chứng cứ để chứng minh cái sai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cầu cứu chính quyền và nhiều cơ quan chức năng vào cuộc để buộc doanh nghiệp nhận trách nhiệm của mình.
“Chúng tôi phải nằm bờ nhiều tháng trời, nợ nần chồng chất… mà chẳng thể ra khơi được. Giờ tàu được sửa chữa ở tại quê hương, tôi phải có mặt giám sát thường xuyên chứ không cứ tình trạng hư hỏng như lúc mới đóng thì có nước mà trả tàu” - ngư dân Ảnh chia sẻ.
Ông Trần Kim Trung- chủ tàu BĐ 99777 TS cho rằng: “Cơ quan chức năng phải yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa tàu, càng nhanh càng tốt. Nếu tàu nằm bờ hoài thì phiền phức cho cả hai bên. Chủ tàu còn phải ra khơi đánh bắt, kiếm tiền trả nợ cho ngân hàng nữa, nằm mãi ở đây chờ sửa chữa thì chúng tôi ôm nợ càng lâu”. Theo ông Nguyễn Hoàng Tân - phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, công ty đã điều 29 công nhân và 3 cán bộ vào Nhà đóng tàu Tam Quan để tiến hành việc sửa chữa tàu 67 hư hỏng.
“Hiện, có 7 máy thủy chính hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) được đưa đến nhà máy đóng tàu để chuẩn bị thay thế cho các máy cũ trên tàu vỏ thép không đạt chất lượng. Công ty đã tháo ra 3 máy chính trên các tàu vỏ thép. Sau khi đăng kiểm viên và Tổ giám sát thẩm định chất lượng, chúng tôi sẽ tiến hành thay máy chính cho từng tàu vỏ thép. Dự kiến, 30.8 sẽ hoàn thành xong việc sửa chữa tàu vỏ thép”- ông Tân nói.
Ông Lê Tuấn Anh- cán bộ kỹ thuật đăng kiểm thuộc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), cho hay: “Cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm giám sát việc sửa chữa theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng trước khi ra khơi”. Theo ông Anh, hiện nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đang cho công nhân tiến hành làm sạch bề mặt, phun cát, phun sơn và cắt cabin tháo máy cũ để thay máy mới chính hãng Mitsubishi cho tàu ngư dân bị hư hỏng.
Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong thời gian Công ty TNHH MTV Nam Triệu sửa chữa tàu, cơ quan đăng kiểm, tổ giám sát và ngư dân phải cùng phối hợp giám sát chặt chẽ. Các chủ tàu cũng cần có mặt thường xuyên, đề nghị công ty phải làm theo yêu cầu đúng như cam kết đã ký, các thiết bị trên tàu nếu có trục trặc phải đề nghị công ty sửa chữa kỹ. Con tàu tuổi thọ ít nhất cả 30 năm chứ không phải chỉ 5 hay 10 năm nên giám sát kỹ chừng nào thì chất lượng lâu dài chừng đó. Nhà nước cho thời gian 11 năm để trả hết nợ nhưng con tàu phải vận hành thêm hơn 20 năm nữa”. Theo ông Châu, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã hứa với ngư dân sẽ khắc phục sửa chữa đến hết 30.8 thì cần hoàn thành như cam kết.
Theo Dân Việt