Hãng tin Mỹ dẫn lời anh Nguyen Nhat Truong, 26 tuổi, nói: “Nhậu là chuyện rất bình thường ở Việt Nam. Chúng tôi có nhiều thời gian rảnh và không có nhiều thú vui giải trí khác. Vì vậy, chúng tôi uống bia”. Anh Truong cho biết mình thường gặp bạn bè tại một quán nhậu ở ngoại ô TP.HCM. Ở đây, một cốc bia lớn có giá khoảng 10 ngàn đồng.
Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho hay Việt Nam, nơi văn hóa bia bọt đang làm dấy lên nhiều lo ngại, sẽ là “thị trường cạnh tranh chính của nhiều nhà sản xuất bia”. Kế hoạch bán cổ phần đa số trong hai hãng bia quốc nội lớn nhất Việt Nam đang mở rộng cửa cho nhiều đối thủ nước ngoài.
Mức tiêu thụ bia bình quân đầu người của Việt Nam tăng vọt trong khi ở Nhật Bản, Trung Quốc thì giảm, còn Hàn Quốc tăng nhẹ |
Đối tác quản lý John Ditty của KPMG Việt Nam nói: “Không có nhiều thị trường còn lại có tiềm năng tăng trưởng như Việt Nam”. Theo Euromonitor, dân số trẻ thuộc tầng lớp trung lưu đang gia tăng của Việt Nam giúp nhu cầu bia tăng 300% từ năm 2002. Thị trường bia Việt Nam được ước tính trị giá 147.200 tỉ đồng, tương đương 6,5 tỉ USD, hồi năm 2016. Euromonitor dự báo mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt 40,6 lít năm nay, biến Việt Nam trở thành nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á.
Euromonitor viết trong báo cáo tháng 7: “Việt Nam sẽ là thị trường để theo dõi. Nhờ văn hóa tiêu thụ bia đường phố mạnh mẽ và mức đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lượng bia tiêu thụ lớn nhất giai đoạn 2016 - 2021”.
Khi cạnh tranh đi lên, các hãng bia tung ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn hơn, ra mắt sản phẩm mới nhiều hơn và điều này giúp nhu cầu bia tăng cao. Hãng Heineken của Hà Lan và Carlsberg của Đan Mạch đang cạnh tranh giành thị phần Việt Nam. Heineken, Anheuser-Busch InBev, Asahi Group Holdings và Kirin Holdings là vài trong số khoảng sáu hãng bia ngoại có đầu tư vào Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Thị phần thị trường bia Việt Nam của các hãng bia |
“Châu Á và châu Đại Dương là những thị trường trọng tâm của công ty chúng tôi, và chúng tôi quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam vì nhìn thấy mức tăng trưởng trên thị trường”, phát ngôn viên Naomi Sasaki của hãng Nhật Kirin Holdings cho biết.
Asashi Group tiếp tục quan tâm đến việc mua cổ phần nhà sản xuất bia Việt Nam, phát ngôn viên hãng là Takuo Soga nói. Heineken không bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, AB InBev cho hay họ cam kết với thị trường Việt Nam để phát triển hoạt động kinh doanh lâu dài.
Bộ Công thương Việt Nam giữ 89,59% cổ phần trong Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ở mức 1,8 tỉ USD (tháng 8.2016). 82% cổ phần Công ty Bia Hà Nội (Habeco) mà chính phủ nắm giữ trị giá 404 triệu USD.
Hiện hãng Carlsberg đang hăng hái mua cổ phần của Habeco. Thị phần của hãng bia Đan Mạch giảm trong bốn năm qua trong lúc Heineken đi lên. Việt Nam là nhân tố chủ yếu tạo nên mức tăng 27% trong lợi nhuận hoạt động ở khu vực châu Á của Carlsberg. Cùng lúc, Việt Nam cũng chiếm một nửa doanh số ở nước ngoài của Sapporo Holdings. Đơn vị hoạt động ở Việt Nam của Sapporo bắt đầu từ khoảng cách đây sáu năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1/3 số nam giới và 2/3 số phụ nữ Việt Nam không uống rượu. Những người đàn ông uống rượu thì thường có khuynh hướng uống rất nhiều, và 8,7% trong số những người này nghiện bia rượu hoặc chịu một số rối loạn do bia rượu gây ra. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình 4,6% của khu vực Tây Thái Bình Dương.
Chính phủ Việt Nam hiện cố gắng giảm lượng thức uống có cồn được tiêu thụ. Song ngay cả khi chính phủ nỗ lực thắt chặt quy định và hạn chế doanh số bia, các nhà đầu tư ngoại vẫn không nản lòng. Nhân viên văn phòng Nguyen Nam, 27 tuổi, chia sẻ: “Khi uống bia chúng tôi cảm thấy thư giãn. Tôi vẫn có thể làm việc vào buổi chiều dù tôi có chút say, song một số người thì lại cần ngủ trưa”.
Theo Thanh Niên