Chuyện không bình thường
Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR) cho biết tính từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐBQH Hà Nội nhận định đây là một chuyện không bình thường và cần phải xem xét lại.
Theo ông Cường, Việt Nam đang thiếu vốn và thời gian qua, nhà nước phải kêu gọi nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước. Trong khi đó, người dân lại mang lượng tiền không nhỏ, chiếm hơn 1 % thu nhập quốc dân đi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở nước ngoài.
“Đó là điều rất đáng để suy nghĩ. Nó chứng tỏ một bộ phận người Việt có tiềm lực tài chính rất lớn. Ngoài việc đầu tư các lĩnh vực trong nước họ còn mong muốn đầu tư tại nước ngoài”, ông Cường khẳng định.
Lý giải tình trạng nhiều người Việt đổ xô mua nhà tại Mỹ, ông Cường cho biết việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.
Người Việt chi 3 tỷ USD để mua nhà tại Mỹ. |
Thứ nhất, giá nhà cửa, bất động sản tại Hoa Kỳ, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính tương đối hạ.
Tiếp theo Mỹ là quốc gia được đánh giá có nhiều điều kiện tốt để sinh sống, học tập, kinh doanh nên nhiều người mong muốn đến. Họ tập trung tiềm lực mua nhà để đầu tư cho tương lai.
“Cũng không loại trừ những người này có nguồn tài chính, thu nhập không chính đáng. Họ lo ngại chuyện rủi ro và tìm cách để phân tán tài sản.
Tuy nhiên tôi cho rằng nhóm này chỉ chiếm một số lượng nhỏ, không phải tất cả. Phần đông là những nhóm có tiềm lực tài chính lớn và muốn tìm các cơ hội đầu tư để cho thế hệ con cháu có thể định cư nơi có điều kiện tốt nhất”, ông Cường chia sẻ.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn. Vì thế những người có tiền phải tìm nơi có điều kiện tốt hơn để đầu tư, trong đó có Mỹ.
“Có thể người ta dự trữ tài sản bằng USD hay bằng vàng chứ không dự trữ bằng tiền mặt. Trong khi chúng ta chính sách thu hút USD và vàng trong dân chưa hấp dẫn. Khi đó người ta sẽ nghĩ đến việc tích trữ những tài sản này ở nước ngoài dưới dạng bất động sản và vẫn bảo toàn được giá trị”, ông Cường khẳng định.
Ai là người mua nhà?
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng nhận định, câu chuyện người Việt mua nhà, mua bất động sản có giá trị lớn ở nước ngoài không phải bây giờ mới được nhắc đến.
Tuy nhiên với thông tin vừa được Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ công bố, ông Sơn cho rằng có 2 vấn đề cần phải được làm rõ và công khai trước dư luận.
“Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, việc mua nhà cửa, tài sản không phải đơn giản. Anh có tiền nhưng phải chứng minh được tài sản đó là hợp pháp.
Do đó, công bố của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ dựa trên cơ sở nào? Người Việt Nam đi làm ăn ở nước ngoài có thu nhập và mua nhà bên Mỹ, hay người ta chuyển tiền từ Việt Nam sang?
Trong trường hợp tiền đó không phải phát sinh từ đất nước Hoa Kỳ vậy thì cần trả lời câu hỏi làm sao nó lọt được sang Mỹ để mua tài sản?
Câu chuyện này đứng về mặt pháp lý của một quốc gia thì Hoa Kỳ phải là người trả lời việc này”, ông Sơn khẳng định.
Theo ông Sơn, hiện nay dư luận đang chú ý đến việc Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo tuy nhiên lại có nhiều người, trong đó có những người là quan chức đi qua mua sắm tài sản giá trị lớn.
“Việc này phải nghiên cứu, xem xét. Nếu tiền người ta chuyển qua nước ngoài được chứng nhận là hợp pháp thì đó là câu chuyện bình thường. Còn nếu đó là tài sản bất hợp pháp thì lại là câu chuyện khác.
Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, toàn diện. Không phải cứ thấy người ta giàu có, khá giả là chúng ta lại có suy nghĩ tiêu cực đi”, ông Sơn khẳng định.
Phải thay đổi quản lý
Từ câu chuyện người Việt mua nhà tại Mỹ ngày càng gia tăng, PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng chúng ta cần phải thay đổi cơ chế chính sách để thu hút hơn những người có vốn sẵn sàng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thay vì mang tiền ra nước ngoài.
Cùng với đó, cần phải xem lại việc quản lý các dòng tiền chuyển ra nước ngoài. Theo ông Cường, về mặt pháp lý, chúng ta quy định chuyển tiền ra nước ngoài chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, khoảng 5,000 USD. Nhưng con số trên thực tế lại rất nhiều.
“Để chuyển tiền ra nước ngoài mua bất động sản thì số tiền đó phải rất lớn chứ không thể ít như vậy được. Đây rõ ràng có hình thức trá hình nào đó để người ta chuyển tiền ra nước ngoài mà chúng ta quản lý chưa chặt”, ông Cường nói.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn đề nghị công tác kê khai tài sản, nhất là đối với cán bộ nhà nước phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc hơn. Thời gian vừa qua đã xuất hiện những trường hợp cán bộ mua tài sản ở nước ngoài tuy nhiên trong phần kê khai lại không nhắc đến.
“Thời gian qua tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài để mua tài sản vẫn có. Câu chuyện đó không phải nằm ở chỗ có bao nhiêu người Việt đi mua tài sản ở nước ngoài mà nằm ở chỗ làm sao nguồn tiền đó sang được nước ngoài.
Mục tiêu của phòng chống tham nhũng trước hết và cuối cùng đó là thu hồi tài sản tham nhũng. Nhưng việc này thời gian qua chúng ta không phát huy được hiệu quả”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Đất Việt