Mỹ phá giấc mơ 'siêu vũ khí' của Nga

Thứ tư, 26/07/2017, 12:03
Nga cùng với các nước OPEC cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu phục hồi nhưng vấp phải trở lực lớn từ nguồn cung dầu đá phiến giá rẻ của Mỹ.

Nga nỗ lực trấn an

Tờ Gazeta.ru của Nga ngày 24/7 có bài viết cho biết các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tham gia kéo dài thỏa thuận giới hạn sản lượng khai thác dầu sau quý I/2018 nếu phù hợp.

Thỏa thuận nói trên đã cắt giảm khoảng 350 triệu thùng dầu được đưa ra thị trường, và điều này đã giúp giá dầu tăng lên 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa cuối năm, các nước tham gia thỏa thuận này (còn gọi là OPEC+) đang hy vọng giá dầu và nhu cầu sử dụng dầu cùng tăng.

Ủy ban giám sát của OPEC+ (gồm các thành viên của OPEC, Nga và 10 quốc gia khác) tuyên bố sẵn sàng kéo dài thỏa thuận đạt được về giới hạn sản lượng khai thác vào quý II/2018 nếu điều này là cần thiết để cân băng thị trường dầu mỏ thế giới. Thỏa thuận về cắt giảm sản xuất 1,8 triệu thùng/ ngày đã đạt được vào cuối năm 2016 và được gia hạn tới cuối quý I/2018.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak

Ngày 24/7, Bộ trưởng năng lượng Nga Aleksandr Novak đã tuyên bố trong cuộc gặp của Uỷ ban giám sát OPEC+ tại Saint-Peterburg rằng: “Ủy ban đã thống nhất về khả năng sẽ kéo dài hợp tác, bao gồm cả sau thời điểm quý I/2018, nếu điều này là cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ”.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih cũng cho biết nước này ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu: “Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của thỏa thuận không chỉ tới tháng 3/2018, mà còn sau tháng 3 nếu như đạt được đồng thuận về sự cần thiết tiếp tục kéo dài thoả thuận”.

Theo các Bộ trưởng Năng lượng Nga, Kuwait, Arab Saudi và lãnh đạo OPEC, các biện pháp được thông qua trước đây trong khuôn khổ thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí đã cho thấy “những thành công đáng kể”. Các bộ trưởng nhận định rằng mức độ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó là khoảng 98%. OPEC+ cũng hy vọng rằng trong quý III/2017 thì tình hình thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak tuyên bố rằng nhờ có thoả thuận của OPEC+ đạt được vào cuối năm 2016 mà giá dầu trong nửa đầu năm 2017 đã tăng khoảng 1/3 so với nửa đầu năm 2016. Ông Novak cũng cho biết một vài quốc gia đã thực hiện thỏa thuận nêu trên một cách đầy đủ và một số khác thậm chí còn cắt giảm sản lượng quá mức đề ra trong thỏa thuận.

Ông Novak nói: “Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Kể từ tháng 3/2017, chúng ta đã thấy lượng dầu dư thừa giảm xuống và giảm cả ở Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Mỹ. 350 triệu thùng dầu đã không bị đưa ra thị trường, trữ lượng cũng giảm 90 triệu thùng".

Nga truyền đi thông điệp về cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu

Quan chức Nga dự báo trong quý III/2017, nhu cầu sẽ tăng lên so với quý II và quý I. Theo ông, trong lịch sử, đã không có thoả thuận nào được thực hiện ở mức 98% nên có thể hoàn toàn vui mừng với con số đó và dự đoán triển vọng tăng nhu cầu đối với dầu mỏ trong quý III/2017.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih hy vọng chiều hướng giảm trữ lượng dầu sẽ tăng hơn nữa và điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực, làm tăng nhu cầu và ổn định giá dầu trong quý III/2017.

Ông Khalid cho rằng nhu cầu trong giai đoạn tháng 7-9 năm nay sẽ tăng lên khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, so với mức 1 triệu thùng/ngày trong quý I vừa qua. Những quốc gia đóng góp chính vào khoản tăng nhu cầu đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Ông Khalid cũng thông báo rằng vào tháng 8/2017, Arab Saudi sẽ nghiêm túc cắt giảm sản lượng, xuất khẩu sẽ vào khoảng 6,6 triệu thùng, góp phần gia tăng nhu cầu để cải thiện tình hình trên thị trường.

Bàn tay phá đám

Tuy nhiên, giới phân tích Nga cảnh báo Libya, Nigeria và Mỹ đang gia tăng sản xuất và đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), so với tháng 10/2016, tổng sản lượng dầu của Libya và Nigeria trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên khoảng 450.000 thùng/ngày. Như vậy, theo IEA, sản lượng khai thác mà 2 quốc gia này đạt được lần lượt là 510.000 và 1,45 triệu thùng/ngày.

IEA cũng nhận định rằng việc tăng sản lượng khai thác của các quốc gia này, từ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình hình trong nước không ổn định, đã làm giảm hiệu quả các biện pháp của OPEC trong tháng 6.

Chủ tịch của Uỷ ban giám sát OPEC+ là Issam al-Marzouk, khi bình luận về tình hình trên, đã tuyên bố rằng việc tăng sản lượng của các quốc gia này là “không đáng kể”. Trong khi đó, đại diện của Nigeria tuyên bố rằng nước ông sẽ sẵn sàng tham gia các thoả thuận của OPEC+ sau khi ổn định mức khai thác mong muốn ở 1,8 triệu thùng.

Một "công trường" khai thác dầu đá phiến ở Midway Sunset, California của Mỹ

Nhưng các chuyên gia Nga cảnh báo thêm, mối đe dọa chính đối với OPEC+ và thị trường dầu mỏ thế giới lại là Mỹ, quốc gia không phải là thành viên của thỏa thuận nêu trên và đang ngày càng tăng cường sản xuất.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo nhận định rằng không thể không quan tâm tới sự gia tăng khối lượng dầu khí đá phiến mà Mỹ bán ra thị trường trong nửa đầu năm 2017 và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tới cuối năm nay.

Ông Barkindo khẳng định: “Người đại diện của Arab Saudi cũng gọi khối lượng gia tăng này của Mỹ là con voi trong cửa hàng đồ sứ".

Ông Barkindo cho rằng vào quý IV/2017, OPEC dự định tiếp tục đối thoại với các nhà sản xuất dầu khí đá phiến. Còn Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak cho biết việc lôi kéo Mỹ vào thỏa thuận của OPEC+ “đã không được xem xét và sẽ không được xem xét”.

"Siêu vũ khí" của Nga đang bị Mỹ vô hiệu hóa?

Do khối lượng dầu khai thác của Mỹ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 24/7 đã hạ mức dự báo giá dầu thế giới năm 2017 và năm 2018 xuống khoảng 3 USD - tức là dầu Brent biển Bắc sẽ vào khoảng 51,9 USD và 52 USD/thùng.

Dự báo này củng cố thêm dự báo của các nhà phân tích rằng hoạt động khai thác của Libya, Nigeria và Mỹ đang đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường của OPEC+. Ngay từ khi OPEC+ đạt thỏa thuận, giới phân tích đã thẳng thắn chỉ ra rằng quyết định cắt giảm sản lượng chưa thể đưa thị trường dầu thô về kỷ nguyên với mức giá đạt 100 USD/thùng.

Trên thực tế, những yếu tố nằm bên ngoài OPEC (và cả OPEC+) mới là những vấn đề thực sự trong dài hạn. Các công ty sản xuất dầu đá phiến ở Texas và North Dakota của Mỹ vốn trụ được trong cuộc chiến giá dầu giờ đây có khả năng xoay xở với mức giá thấp tốt hơn nhiều so với trước đây.

Điều này cũng có nghĩa rằng mức tăng giá dầu thô tích cực nhất có thể sẽ chỉ là 10-15 USD/thùng, trước khi dầu đá phiến của Mỹ có thể bắt đầu được tung ra thị trường với khối lượng lớn. Một triển vọng không mấy khả quan đối với loại hàng hóa cực kỳ quan trọng, thậm chí được coi là thứ "siêu vũ khí" của Nga.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích