|
338.000 quân Đức và Pháp rút khỏi Dunkirk chỉ sau vài ngày (ảnh từ phim Cuộc di tản Dunkirk) |
Theo Daily Beast, bộ phim Cuộc di tản Dunkirk công chiếu hồi tuần trước kể lại câu chuyện có thật trong trận Dunkirk ở phía Bắc nước Pháp năm 1940. Khi đó, khoảng 400.000 quân đồng minh mất hết nhuệ khí chiến đấu, bị dồn vào chân tường trước 800.000 quân phát xít Đức.
Cho đến ngày nay, tranh luận về việc trùm phát xít Adolf Hitler bất ngờ ra lệnh ngừng chiến dịch tấn công trong hai ngày 22-23.5.1940 vẫn chưa có hồi kết trong giới học giả phương Tây.
Điều không cần phải tranh cãi là nếu xe tăng panzer Đức và phi đội không quân được phép sớm tấn công Dunkirk thì quân đồng minh đã phải nhảy hết xuống biển “làm mồi cho cá”.
Trái lại, sự chần chừ của Hitler đã giúp quân đồng minh có thời gian để sơ tán lực lượng từ bãi biển Dunkirk trở về Anh.
12 ngày trước khi sư đoàn Panzer được lệnh án binh bất động, Winston Churchill trở thành Thủ tướng Anh. Churchil đứng trước tình thế khó khăn bởi nếu không giữ được những gì còn lại của Lực lượng Viễn chinh Anh ở châu Âu (BEF), tân Thủ tướng Anh có thể sẽ phải ngả theo phương án đầu hàng Hitler.
Xe tăng Panzer của Đức hoàn toàn vượt trội hơn thiết giáp của quân đồng minh. |
Trước trận Dunkirk vài ngày, vào ngày 21.5.1940, quân viễn chinh Anh bất ngờ mở đợt phản công, sử dụng xe tăng và bộ binh chiến đấu chống quân phát xít Đức ở phía Bắc thành phố Arras của Pháp.
Đợt phản công này đã khiến cho tướng chỉ huy quân đoàn Panzer, “cáo sa mạc” Erwin Rommel bất ngờ. Rommel thông báo với Thống chế Gerd von Rundstedt rằng quân đoàn Panzer số 7 của ông bị tấn công bởi “hàng trăm xe tăng địch”.
Trên thực tế, quân Anh chỉ huy động 74 xe tăng phản công, trong đó chỉ có 16 xe tăng thế hệ mới nhất có thể đấu lại Panzer.
Yếu tố tâm lý về một cuộc phản kháng bất ngờ của quân Anh đã khiến các tướng lĩnh Đức và cả Hitler chần chừ. Thống chế Von Rundstedt, được sự ủng hộ của Hitler, ra lệnh cho các sư đoàn Panzer dừng lại ở cửa ngõ Dunkirk. Von Rundstedt cho rằng nên bịt kín phòng tuyến ở Arras trước.
8 giờ tối ngày 23.5, một chỉ huy khác của Đức nói sư đoàn Panzer di chuyển quá nhanh qua Bỉ và Pháp, khiến bộ binh không theo kịp. Chỉ huy này đề nghị sư đoàn xe tăng tạm dừng chân để bộ binh có thời gian đuổi kịp.
Quân đồng minh ở Dunkirk bị Đức vây chặt từ 3 hướng. |
Sau khi tham vấn Hitler, Von Rundstedt một lần nữa đồng ý ngừng chiến dịch tấn công Dunkirk trong 36 giờ, cho đến ngày 25.5.
Chính mệnh lệnh thứ hai này đã cứu sống hơn 300.000 quân đồng minh, đa phần trong số đó là lực lượng viễn chinh Anh. Điều này cũng cho thấy các tướng lĩnh Đức đã đánh giá sai tình hình thực tế trên chiến trường.
Bên cạnh đó, quân Anh cũng gặp may khi bắt được một nhóm tuần tra Đức ở vùng ngoại ô hẻo lánh. Trên chiếc xe mà quân Đức bỏ lại có ghi kế hoạch chi tiết cách vượt phòng tuyến của quân Anh để đánh thẳng vào Dunkirk.
Quân Anh cùng Pháp vô hiệu hóa kế hoạch tấn công của phát xít Đức một cách hiệu quả.
Một lý do nữa khiến quân Anh phải gấp rút sơ tán khỏi Dunkirk là bởi không quân Hoàng gia nước này gần như tê liệt hoàn toàn. 261 máy bay chiến đấu Hurricane và Spitfire được điều đến tham chiến ở châu Âu, chỉ có 65 chiếc trở về nguyên vẹn.
Cho đến cuối tháng 5, cả nước Anh chỉ còn 480 máy bay. Nhưng cũng vào lúc khó khăn nhất, một lượng lớn các tàu thương mại, tàu nhỏ đi qua hải cảng Anh đều tình nguyện giúp đưa quân đồng minh vượt biển.
Quân đồng minh xếp hàng chờ sơ tán khỏi Dunkirk. |
Chỉ riêng trong ngày 29.5, 47.000 người rời khỏi Dunkirk thành công. Con số này tăng dần từng ngày và đến 4.6, 338.000 quân đồng minh đã rút về Anh, bao gồm cả 125.000 quân Pháp.
Cuộc sơ tán không trọn vẹn khi có khoảng 48.000 quân Pháp bị Đức bắt giữ. Lực lượng viễn chinh Anh rút lui thành công, nhưng mọi trang bị như xe tăng, xe tải và vũ khí bộ binh đều bị bỏ lại.
Người Anh vẫn coi trận Dunkirk là một thành công. Bởi chiến dịch sơ tán quân đội giúp họ bảo tồn lực lượng để tiếp tục chiến đấu. Nếu không, quân đội Anh có nguy cơ bị xóa sổ chỉ sau một trận đánh.
"Trận Dunkirk là ví dụ điển hình cho việc duy trì tính kỷ luật và cái đầu lạnh của người Anh trong Thế chiến II, khi phải đối mặt với thất bại rõ ràng", chuyên gia quân sự Robert Farley bình luận.
Theo Dân Việt