Công ty Engie của Pháp mới đây hé lộ về việc có thể đình chỉ việc tài trợ cho dự án đường ống dẫn khí "Dòng chảy Phương Bắc - 2" vì lo ngại liên đới ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ tới Nga.
Bloomberg dẫn lời Phó Tổng Giám đốc Engie Pierre Chareir cho biết: "Engie có thể ngừng tài trợ cho dự án nhằm tránh các biện pháp trừng phạt"
Các nhà đầu tư của Nord Stream - 2 lo ngại trừng phạt khiến ngưng đầu tư vào dự án đường ống mới. |
Tại thời điểm này, phía công ty vẫn tuân thủ nghĩa vụ cung cấp 10% tổng đầu tư trong dự án. Song những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai liên quan đến vấn đề chuyển nhượng.
Dẫu vậy, ông Chareir nói thêm, đứng trước những lo ngại của các công ty châu Âu đã đầu tư vào dự án này, hiện tại Ủy ban châu Âu và các đối tác trong "Nord Stream - 2" đang tích cực tìm kiếm luật sư nhằm tránh các vấn đề liên quan tới lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga.
Đây không phải là lo ngại của riêng Engie mà công ty Nord Stream 2 AG - đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc-2 cũng lo ngại sự ảnh hưởng to lớn của lệnh trừng phạt này.
Giám đốc điều hành công ty Nord Stream 2 AG, ông Matthias Warnig nhấn mạnh hậu quả của các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ rất "to lớn".
Bởi dòng chảy năng lượng từ Nga không chỉ mang tính truyền thống mà còn là những yếu tố đặc biệt quan trọng trong sự lớn mạnh của lục địa già.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty dầu mỏ OMV của Áo, ông Rainer Seele cho rằng châu Âu đang cần tăng lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga chứ không phải giảm đi.
Theo ông, vì lợi ích của châu Âu là chủ động đảm bảo ổn định nguồn cung khí đốt, do đó việc tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga là cần thiết trong bối cảnh hoạt động khai thác khí đốt ở châu Âu đang giảm.
Lo ngại của các công ty châu Âu không phải là điều sớm bởi mới hôm 28/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nước Nga.
Dự luật dài 184 trang, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.
Dự luật mới sẽ cần được Tổng thống Donald Trump thông qua nhưng với số phiếu ủng hộ tại Thượng viện là 98- 2 thì không có một tình huống đảo ngược bất ngờ nào có thể xảy ra nhằm ngăn chặn dự luật trừng phạt Nga được trở thành Luật.
Bản dự luật mới được cho là sẽ hạn chế khả năng kiểm soát của Tổng thống Trump với việc trừng phạt Nga. Ông Trump cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn nới lỏng trừng phạt Moscow.
Châu Âu phản ứng với Mỹ bất thành, sẽ cùng Nga "chiến đấu"
Tinh thần chung của châu Âu là ngăn Mỹ đưa ra luật về trừng phạt Nga bởi các dự thảo trước đó cho thấy không chỉ các công ty đầu tư vào dự án đường ống này bị ảnh hưởng mà về lâu dài, dự án này sẽ không bao giờ được thực hiện.
Các ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức trong dự án đường ống năng lượng mới vượt biển. |
Trong khi nguồn cung năng lượng từ phía Nga là điều mà lâu nay châu Âu vẫn cho đó là nơi cung cấp an toàn, bền vững và kinh tế nhất, việc Mỹ cản trở dự án đường ống này sẽ là cách để Mỹ gián tiếp đặt chân cạnh tranh vào thị trường béo bở này với Nga.
Phía châu Âu nhận thấy, họ đã bất chấp các mâu thuẫn nội bộ, bất chấp những thiệt hại có thể có nhằm trừng phạt kinh tế Nga, theo chân Mỹ. Song, càng lâu dài, Washington càng muốn lấn sâu hơn.
Lợi dụng các nghi kỵ từ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống 2016, nghi ngờ Nga cài tình báo vào các cơ quan Mỹ nhằm tấn công mạng và hạ bệ bà Hillary Clinton.... Mỹ đã thực hiện cuộc tấn công mới và đánh đổi cả châu Âu để giành cho mình vị thế số 1, tranh giành ảnh hưởng của Nga ở châu Âu.
Phía châu Âu trước đó đã nhiều lần ngăn cản Mỹ đưa ra các trừng phạt mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, tới 28/7,Thượng viện Mỹ thông qua đã khiến nỗ lực của phương Tây thất bại.
Châu Âu, theo như lời đại diện của công ty Engie đã tiết lộ, sẽ khó bỏ lại dự án dầu khí này và biến dự án đặc biệt lớn của Nga lâm vào tinh trạng trì trệ.
Phương Tây cũng cảnh báo Mỹ song thông tin mới nhất cho thấy nỗ lực này đã không hiệu quả.
Trước các lo ngại cực lớn từ phía các công ty châu Âu, EU trong thời gian tới có thể buộc bắt tay Moscow để chống lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã thông qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của châu Âu.
Theo Đất Việt