|
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan giá nhà ở Mỹ rẻ hơn đáng kể so với ở Việt Nam... |
Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa có công bố báo cáo thường niên “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017”. Dựa trên số liệu từ tháng 4.2016 đến tháng 3.2017, người nước ngoài chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong danh sách này, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chi tiền mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tổng cộng 3,06 tỷ USD, chiếm 2%. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, tăng 2 bậc so với năm 2016.
Thông tin này khiến nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao người Việt Nam lại dễ dàng mua nhà tại Mỹ? Điều gì thúc đẩy người Việt tăng cường mua nhà ở nước Mỹ hay việc thất thoát nguồn tiền lớn ra nước ngoài sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?....
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói :“Người Việt rời đi mua nhà ở Mỹ tới 3 tỷ đô la, kể cả một số người rời đi qua Úc, Canada, Newzealand và một số nước khác làm việc. 3 tỷ USD đó mới chỉ là mua nhà, còn phần tiền đầu tư để được thẻ xanh ở đó mua nhà thì ít nhất mỗi người cũng phải có nửa triệu đô. Bên cạnh 3 tỷ đô la đó còn có thể có nhiều hơn phần đầu tư kinh doanh ở Mỹ, cùng với số tiền cộng lại ở các nước khác sẽ là lượng tiền rất lớn của người Việt đầu tư ra bên ngoài trong khi trong nước vẫn còn thiếu hụt vốn, vẫn phải đi kêu gọi đầu tư nước ngoài vào với nhiều ưu đãi”.
Theo vị chuyên gia kinh tế này thì quy định ở Mỹ khá cởi mở dễ dàng, đơn giản nên có thể mua nhà dễ dàng, hơn nữa giá nhà ở Mỹ rẻ hơn đáng kể so với ở Việt Nam. Trong khi đó, cuộc sống ở Việt Nam có nhiều khía cạnh làm cho những người có điều kiện thu nhập cao cảm thấy không thoải mái từ ăn uống thực phẩm không an toàn, môi trường bị ô nhiễm… nên người ta có tiền muốn tìm đến nơi nào an toàn hơn trong cuộc sống là yêu cầu chính đáng.
Việc người Việt chuyển hàng tỷ đô la ra nước ngoài mua nhà liệu có tác động thế nào đến kinh tế?
Bà Lan cho rằng, sẽ có nhiều tác động bởi những người mua nhà đó nếu là những người kinh doanh thì chúng ta đã mất đi lực lượng kinh doanh tài giỏi, nguồn vốn của họ không chỉ bằng tiền mà đó là nguồn vốn của tri thức, tài năng kinh doanh, sáng kiến sáng tạo trong kinh doanh… Đó là nguồn vốn rất lớn, không tính ra được bằng tiền. Người có tiền chưa chắc biết kinh doanh hiệu quả. Có nhiều người khởi nghiệp từ bàn tay trắng mà vẫn kiếm được nhiều tiền, đấy là những người tài giỏi, nếu giữ chân họ, khai thác được khả năng tài giỏi của họ sẽ làm lợi biết bao nhiêu cho đất nước.
Vì thế, theo bà Lan, Nhà nước cần cải thiện môi trường, tạo điều kiện quan tâm hơn nữa đến các DN kinh doanh Việt Nam, chứ đừng quá chú ý thu hút đầu tư nước ngoài trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn còn chỗ này chỗ kia gây khó dễ.
“Phải chú ý xem xét mặt chính sách của nhà nước làm sao giữ chân được những doanh nghiệp thành công, những nhà đầu tư trong nước có năng lực, khuyến khích tạo điều kiện cho người ta tiếp tục mở rộng kinh doanh ở trong nước. Hiện ai cũng biết Nhà nước đang khó khăn thiếu hụt về ngân sách, chi thường xuyên còn vất vả… phải dựa vào sức dân nhưng nếu những người giàu, nhà đầu tư giỏi ra đi, đây là câu chuyện nghịch lý lớn cần xem xét lại”, bà Lan nói.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, người ta chỉ có thể yên tâm ở lại nước mở rộng kinh doanh khi môi trường trong nước thực sự an toàn, khuyến khích cho người ta phát triển. Hiện có tâm trạng chung trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp đã khá thành công đó là rất e ngại về việc tiếp tục đầu tư. Xu hướng các doanh nghiệp tiếp tục bán cho nước ngoài năm ngoái đã rất nhiều và năm nay đang tiếp tục trào lưu đó, thời gian tới cũng vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi mua đều nhằm tới các doanh nghiệp thành công ở Việt Nam, có thương hiệu, mạng lưới kinh doanh rộng…
“Để người ta đi là vô cùng lãng phí, mất đi phần vốn đã đành nhưng cái lớn hơn nữa là mất đi là tri thức, kinh nghiệm, khả năng chiến đấu trên thương trường của doanh nghiệp… Trong khi chúng ta rất ưu ái cho đầu tư nước ngoài, cần khuyến khích tương tự với đầu tư trong nước”, bà Lan nói thêm.
Theo Infonet