Phố Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội) không có gì khác biệt so với bao đường phố khác ở Hà Nội. Lòng đường thông thoáng, vỉa hè phần lớn là dành cho mấy quán dán nilon ôtô xe máy hay chỗ trông xe. Thi thoảng, có 1-2 hàng quán nước, thịt xiên nướng.
Có lẽ, nhiều người đã quên rằng, từ năm 2013 trở về trước, đây là phố lẩu nổi tiếng. Khách ngồi chật kín vỉa hè, quanh nồi lẩu bốc hơi nghi ngút.
Anh Hoàng Văn Trung, chủ một cửa hàng đồ uống ngay đầu phố Cao Bá Quát, nhớ lại đây vốn được gọi là thiên đường lẩu vỉa hè hay phố lẩu vỉa hè. Bởi, thời điểm ấy, các quán lẩu mọc lên như nấm. Cứ vào tầm chiều tối cho đến 1-2 giờ đêm, suốt dọc hai bên vỉa hè, khách tới ăn lẩu đông nghìn nghịt. Cứ đoàn này vừa gọi thanh toán, bàn chưa kịp dọn đã có đoàn khác tới chờ sẵn. Nhân viên các quán thì tràn xuống lòng đường vẫy khách, dắt xe cho người tới ăn.
Phố lẩu Phùng Hưng sầm uất trước kia nay teo tóp, khách cũng thưa vắng dần |
"Trước khi lẩu vỉa hè xuất hiện, phố này vắng người lắm. Đến khoảng năm 2004, các hàng lẩu bắt đầu bày bán dọc hai bên vỉa hè. Con phố trở nên sầm uất, đông vui tấp nập”, anh Trung nói.
Theo anh Trung, lẩu là món ăn khoái khẩu lúc bấy giờ do giá tiền vừa phải, lạ miệng. Nhất là vào mùa đông, khách chỉ cần gọi nồi lẩu 150.000-200.000 đồng là có ngay một nồi nước dùng, một đĩa đồ nhúng (hải sản, thịt gà, cá, gầu bò,... tùy gọi) và một rổ rau đầy ú ụ, tha hồ cùng bạn bè ngồi ăn vừa tám chuyện trong vài ba tiếng đồng hồ.
Thế nhưng, từ năm 2010, phố lẩu Cao Bá Quát bắt đầu thưa vắng khách. Và đến năm 2013 thì các hàng lẩu trên phố này biến mất hoàn toàn, hiện cũng chỉ còn 1-2 quán trụ được.
Tương tự, cách phố Cao Bá Quát chỉ tầm 3 phút chạy xe máy, các quán lẩu trên phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đang dần thu hẹp lại.
Từng nổi danh khắp Hà thành khi là một trong những con phố có quán lẩu giăng kín, chạy dài vỉa hè thì nay, chỉ còn khoảng mấy hàng lẩu nằm giáp đầu phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm). Khách đến ăn lẩu cũng èo uột chẳng kém. Giờ cao điểm tối mà bàn vẫn trống trơn, khách đếm được trên đầu ngón tay.
Đã có ý kiến lý giải, các phố lẩu biến mất hay dần teo tóp lại là do thông tin chưa xác thực về nước lẩu có nhiều gia vị chứa thành phần hóa chất, rằng nước lẩu của những nồi lẩu giá rẻ ấy được làm từ loại gia vị lẩu xuất xứ Trung Quốc...
Bên cạnh đó, thực phẩm làm lẩu bò, lẩu hải sản, lẩu gà, lẩu pín, nầm, lòng,... hầu hết được cho là nguồn hàng không rõ nguồn gốc.
Khi ấy, các chuyên gia khuyến cáo, dù không biết thực chất và mức độ độc hại của các loại gia vị lẩu đó như thế nào khi chưa phân tích, kiểm định nhưng nếu không chắc chắn được nguồn gốc và xác nhận kiểm tra của cơ quan chức năng về chất lượng thì cần cảnh giá để không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài lý do “lẩu hóa chất” khiến khách sợ hãi, không dám đến ăn làm một số phố lẩu dần biến mất, nhiều ý kiến nhận định, phố lẩu vỉa hè không còn sầm uất như trước là bởi món lẩu đã hết thời.
Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Lan, một người từng bán lẩu suốt 6 năm trên phố Cao Bá Quát, khẳng định, đó không phải là nguyên nhân khiến phố lẩu “chết”.
Vừa ngồi nhặt mớ rau trên phố để chuẩn bị nấu bữa cơm tối, bà Lan vừa tâm sự, mấy năm trước bà từng ngồi vỉa hè phố Cao Bá Quát này bán lẩu từ 5h chiều cho tới 2h đêm mới dọn hàng. Khi đó, vỉa hè dọc phố này chật kín hàng lẩu, khách tới ngồi ăn không còn một chỗ trống.
Sau khi lẩu vỉa hè biến mất, trên phố Cao Bá Quát chỉ còn 2 nhà hàng lẩu, nhưng khách khá èo uột |
Thời mới có lẩu vỉa hè, một nồi lẩu 2 người ăn chỉ có giá 80.000 đồng, sau tăng lên 100.000 đồng rồi 150.000 đồng/nồi 2 người ăn. Lẩu khi ấy cũng chủ yếu là lẩu hải sản, lẩu thập cẩm, lẩu gà, lẩu bò làm ít hơn do khách không chuộng.
“Tôi chỉ có 20 cái bàn nhựa thôi nhưng cứ tốp khách này ăn xong lại có tốp khách vào ngồi. Tính ra mỗi tối cũng bán được 50-60 nồi lẩu các loại”, bà khoe.
Tuy nhiên, bán được khoảng 6 năm thì bà ngậm ngùi dọn hàng bỏ nghiệp. Bởi, trong các dịp nghỉ lễ tết dài ngày, thấy nhiều hàng lẩu trên phố nghỉ bán, một số hàng lẩu nơi khác đến bán thế chỗ rồi tranh thủ "chặt chém" khách. Lẩu họ làm cũng không chất lượng được như quán của bà.
“Một vài dịp như vậy khiến lẩu vỉa hè trên phố Cao Bá Quát bắt đầu mất khách. Vì thế, các quán lẩu cũng nghỉ và giảm lượng bán rồi dẹp hẳn”, bà Lan nói. Một số người sau đó cố tình mở bán để gây dựng lại phố lẩu vỉa hè như xưa nhưng đều thất bại vì không có khách.
Bà Lan cho rằng đó chính là lý do khiến phố lẩu vỉa hè Cao Bá Quát biến mất. Còn chuyện lẩu hóa chất tại những phố khác thì bà không rõ.
“Nghỉ một thời gian, tôi chuyển qua bán bánh mì thịt nướng để kiếm cơm qua ngày. Thi thoảng, chợt nhớ lại thời sầm uất của phố lẩu vỉa hè này cũng thấy tiếc”, bà Lan trầm ngâm.
The Zing