|
Người Việt chi hơn 3 tỷ USD mua nhà tại Mỹ, khiến Việt Nam mất đi một nguồn ngoại tệ lớn. |
Quản xuất khẩu ngoại tệ rất chặt
Ngày 18/7, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) cho biết, năm 2017, người Việt đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016 (từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017).
Tổng cộng người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 căn nhà tại Mỹ. Trong đó, số tiền của người Việt Nam chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD (khoảng gần 70 nghìn tỷ đồng) bằng tổng số tiền người dân Đức, Nhật Bản và Venezuela đổ vào mua nhà ở Mỹ.
Con số 3,06 tỷ USD được người Việt “mạnh tay” rót vào bất động sản tại Mỹ khiến dư luận giật mình. Bình luận với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị các cơ quan chức năng nên làm rõ những ai đã đổ tiền mua nhà ở Mỹ, tiền đó ở đâu ra? Đặc biệt, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan quản lý ngoại hối cần đánh giá, rà soát xem việc người Việt chuyển tiền mua bất động sản ở nước ngoài có ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ của Việt Nam hay không?
Lãnh đạo một ngân hàng am hiểu lĩnh vực này bình luận: Việc chuyển tiền ra nước ngoài theo con đường chính thống không hề đơn giản, vì được Bộ KH&ĐT cùng NHNN “quản” rất chặt. Ông này cho biết, ông quen một đại gia.
Đại gia này có người thân bên Mỹ nên đầu tư kinh doanh ở Mỹ, đồng thời mua nhà cho vợ con theo nguyện vọng. Các thủ tục đầu tư vào Mỹ ông này phải trình qua Bộ KH&ĐT rồi đem sang NHNN đề nghị. “Có đầy đủ căn cứ, giấy tờ đúng quy định đều hợp pháp như ông đại gia này còn bị “hành lên, hành xuống”, chờ đúng 3 năm mới xong thủ tục”, vị này nói.
Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thì cho hay: Hiện trên thế giới chỉ có 2 nước duy nhất là Việt Nam và Trung Quốc quản rất chặt chính sách cấm xuất khẩu ngoại tệ. Trong khi đó, ở nước ngoài, họ rất quan tâm đến chặn tiền vào và sợ nhất đó là tiền bẩn, rửa tiền.
Đi “ngầm” qua hàng vàng?
Vậy, tiền đang chuyển ra nước ngoài theo cách nào? Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với những quy định giám sát chặt chẽ của pháp luật, rất có thể người Việt không chuyển ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng để mua nhà ở Mỹ, mà đi theo đường “không chính thức” (nhiều người gọi là “chảy máu ngoại tệ”).
Cán bộ phụ trách ngoại hối một ngân hàng “bật mí”, thực tế để chuyển tiền sang Mỹ mua nhà người chuyển tiền phải…“lách”. Cụ thể, nếu muốn chuyển 100.000 USD từ Việt Nam sang Mỹ, qua môi giới, người muốn chuyển tiền để mua nhà sẽ ký một hợp đồng vay mượn số tiền đó với người ở Mỹ (thường là Việt kiều) và thực hiện công chứng hợp đồng vay mượn này tại Việt Nam. Tiếp theo, bên này quy đổi tính theo tỷ giá để trả tiền. Từ đó, họ lấy nguồn tiền này ra mua nhà. “Ở khu vực TPHCM có nhu cầu chuyển tiền lớn”, anh này nói.
Ngoài ra, “kênh” phổ biến nữa là chuyển qua hàng vàng. “Tôi đã từng ngồi với một luật sư và được tư vấn. Muốn mua nhà tại Úc, bạn sang đó mở tài khoản. Sau đó, mang khoản tiền tương ứng đến hàng vàng được giới thiệu trước (ở Việt Nam), bên kia sẽ liên hệ và lập tức chuyển tiền vào tài khoản của bạn ở Úc”, cán bộ phụ trách ngoại hối này cho biết.
Một đại lý vàng, ngoại tệ lớn tại Hà Nội cũng không ngần ngại thừa nhận việc chuyển tiền “ngầm” ra nước ngoài luôn hoạt động. “Không cần hợp đồng gì đâu, cứ mang tiền mặt đến, bên kia nhận lệnh thực hiện, chỉ cần tiền nổi lên tài khoản là bên này thanh toán”, đại diện đại lý này nói. Có hay không cách lách hay “gửi” kèm vào những dự án đầu tư ra nước ngoài?
Đại diện Vụ Ngoại hối NHNN cho biết: “Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (sửa đổi năm 2013) đã quy định số tiền chuyển không vượt quá 5% tổng vốn dự án đầu tư từng phần ở nước ngoài. Theo đó, pháp nhân phải mở tài khoản ở một ngân hàng thương mại sau khi dự án đầu tư ra nước ngoài được Bộ KH&ĐT, NHNN đồng ý cấp phép. “Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để mua nhà dưới hình thức chuyển vốn đầu tư hoàn toàn không khả thi”, vị này khẳng định.
Tìm hiểu của PV qua một công ty bán hàng đại diện cho Tập đoàn WORLD GROUP, chủ đầu tư một dự án bất động sản ở Úc. Hiện, đơn vị này đang rao bán cho chủ đầu tư các căn hộ tại dự án bên Úc với diện tích 114-219 m2, giá dao động 11 – 15 tỷ VND. Nhân viên môi giới cho biết: Có nhiều cách thức thanh toán khi mua nhà tại dự án này ví như: thanh toán tại Việt Nam vì chủ đầu tư có tài khoản ở Việt Nam; nhờ người nhà bên Úc chuyển trực tiếp tại Úc; chuyển tiền qua kênh chuyển tiền qua nước ngoài (Western Union)... |
Theo Tiền Phong