Ông Vũ Vinh Phú: Bóc mẽ chiêu giúp siêu thị 'ăn đậm'

Thứ hai, 31/07/2017, 15:22
Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện nay nhiều siêu thị không hề xuất hóa đơn cho khách hàng, chỉ khi nào khách hàng yêu cầu mới có.

Né thuế nhờ không xuất hóa đơn

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, vừa lên tiếng phản ứng với một số thông tin từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam liên quan đến cá nhân ông.

Trước đó, trao đổi trên báo chí, ông Vũ Vinh Phú cho rằng,  khâu bán lẻ đang ăn quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất như phí đầu kệ, sinh nhật, phí gầm bàn, chiết khấu…

Từ ý kiến này, để tạo môi trường bình đẳng, minh bạch cho ngành bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú đề xuất phải công khai thuế của các siêu thị trong và ngoài nước, không chỉ bán lẻ mà còn các mảng nhà hàng, dịch vụ kèm theo; tiến tới các siêu thị lớn phải nối phần mềm bán hàng thường xuyên với Cục thuế để kiểm soát doanh thu.

Sau khi xem xét ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý vấn đề trên. Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu ý kiến của ông Vũ Vinh Phú về vấn đề minh bạch trong bán lẻ.

Ông Vũ Vinh Phú.

Đáp lại, trong một công văn gửi tới Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, những ý kiến của ông Vũ Vinh Phú trao đổi như trên là hoàn toàn không hợp lý và không thực tế. Do đó, không cần thiết phải có biện pháp theo đề xuất của ông Phú về công khai thuế của các siêu thị trong và ngoài nước như trên.

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nói rằng, những gì ông phát biểu là sự thật và ông có đủ tư liệu thực tế để chứng minh.

Theo đó, sau khi Metro bị chuyển nhượng, Nhà nước đã truy thu được đã thu 500 tỷ đồng tiền thuế và thực tế trên thị trường cho thấy, một số siêu thị bán hàng hay cho thuê chỗ làm đám cưới, phòng tập... hoàn toàn không xuất hóa đơn VAT.

"Tôi chỉ công nhận Metro xuất hóa đơn VAT 100%, dù chỉ mua 1 chiếc bút bi. Trong khi đó, tôi mua chiếc áo tiền triệu tại siêu thị lớn ngay dưới tầng 1 tòa nhà tôi ở (trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) họ hoàn toàn không xuất hóa đơn. Thậm chí khi tôi hỏi, người bán hàng còn nói họ không có chế độ xuất hóa đơn.

Phải nói thêm rằng, những hóa đơn nhỏ siêu thị xuất cho khách hàng để làm tin không có giá trị pháp lý. Hóa đơn VAT mới có giá trị pháp lý, đó là thuế gián thu, siêu thị thu hộ Nhà nước qua người tiêu dùng 10%/từng nhóm hàng.

Phần mềm bán hàng của các siêu thị, buổi tối nếu muốn giảm doanh số xuống thì làm được ngay. Khi không xuất hóa đơn cho khách hàng, siêu thị "ăn" hai đầu: VAT thu của người tiêu dùng mà họ không nộp cho Nhà nước; không nổi lợi nhuận của họ lên và giảm thuế thu nhập doanh nghệp", ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Vị chuyên gia bán lẻ dẫn một câu chuyện khác mà ông đã chứng kiến cách đây khoảng 20 năm tại Nga. Khi ấy, ông ở trong đoàn Hà Nội sang Moscow và 5 người trong đoàn đã vào ăn phở.

"Quán đặt máy tính tiền có nối mạng ở ngay phía trước. Nhân viên quán giải thích nếu họ không đặt máy tính tiền ở đây sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Nếu họ bán 5 bát phở cho đoàn Hà Nội mà không ấn máy thì coi như bị tạm đình chỉ, thậm chí là phạt.

Như vậy, cách đây 20 năm ở Nga đã kết nối phần mềm bán hàng với cục thuế. Đó là sự văn minh!

Mấu chốt là ở chỗ sự cạnh tranh bình đẳng và không bình đẳng. Ai lập máy tính tiền, ai bán 1 chiếc bút và ấn máy thì đều nổi thuế lên hết. Ngược lại, người trốn có thể bán hàng giá thấp, chia phúc lợi cho nhân viên, lưu giữ chất xám và thậm chí còn được khen thưởng.

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tuyên dương những đơn vị đóng thuế tốt và muốn nói rằng: Việc khen thưởng đừng dựa trên con số tuyệt đối nộp thuế cho Nhà nước. Nó phải trên cơ sở hai doanh nghiệp doanh thu bằng nhau, ai nộp thuế nhiều hơn thì người đó mới hiệu quả. Những chuyện khen thưởng nộp thuế nghìn tỷ chưa là gì, có khi người nộp thuế nghìn tủy còn trốn thuế hơn người nộp thuế trăm tỷ", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Bởi thế, một lần nữa ông nhấn mạnh, muốn minh bạch trong bán lẻ để Nhà nước kiểm soát được, cạnh tranh bình đẳng, cần công khai thuế của các siêu thị trong và ngoài nước. Các siêu thị phải kết nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cục thuế để kiểm soát doanh thu.

Khâu bán lẻ ăn quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng chỉ ra rằng, hàng hóa tại Việt Nam phải trải qua nhiều khâu trung gian và lợi nhuận bị khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức. Người sản xuất ra của cải vật chất là nông dân, thường bị thiệt thòi, ép cấp, ép giá; người tiêu dùng xã hội phải sử dụng hàng hóa với giá cao vô lý...

Ông đưa ra dẫn chứng, một quả trứng ở Việt Nam phải chịu tới 14 loại phí. Một quả trứng từ trại giá chỉ trên dưới 1.000 đồng nhưng người dùng khi vào siêu thị phải mua với giá phổ biến trên 2.200 - 2.400 đồng/quả.

Tương tự, trong tháng 5-6/2017, khi giá thịt lợn hơi của người chăn nuôi giảm xuống dưới 50% thì giá thịt lợn tại một số siêu thị vẫn khoảng 100.000 đồng/kg.

Có ĐBQH đã phải thốt lên rằng, không thể chấp nhận điều phi lý đó, hoặc tại sao giá thịt lợn hơi tại chợ và siêu thị lại cao gấp 3-4 lần giá của bà con nông dân bán ra trên thị trường, hiện tượng này có phải thao túng giá không?

"Tôi có đủ tư liệu để chứng minh rằng, một số siêu thị bán lẻ ép nhà cung ứng bằng phí đầu kệ, sinh nhật, phí gầm bàn, chiết khấu… Tất cả những cái đó làm nản chí các nhà cung ứng hàng hóa vào khâu bán lẻ và “giết” sản xuất", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích