|
Hai mặt
Trung Quốc mới đây tuyên bố ngừng các kế hoạch xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện than mới trong năm nay, khẳng định quyết tâm chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới công bố trong tháng 7 của Tổ chức Môi trường Urgewal (Đức), các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ xây dựng hơn 700 nhà máy điện than trong thập kỷ tới. Phần lớn dự án tập trung ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, những động thái trên cho thấy sự hai mặt của Trung Quốc, bao giờ cũng lấy lợi ích của mình làm đầu.
"Họ bán được gì thì cứ bán để nuôi doanh nghiệp. Trung Quốc có một loạt nhà máy cơ khí, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc nhà máy nhiệt điện nên khi trong nước tạm ngừng thì họ tiếp tục bán ra ngoài.
Trung Quốc luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, thế nên quyết tâm chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường của Trung Quốc có chăng chỉ giới hạn trong nước Trung Quốc", ông chỉ rõ.
|
Trung Quốc sẽ đóng góp gần một nửa số lượng nhà máy điện than dự kiến đi vào hoạt động trên toàn cầu trong 10 năm tới. |
Phân tích sâu hơn cho nhận định này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho biết, trong 30 năm qua, Trung Quốc đã phát triển nhiệt điện than rất mạnh và giờ họ đã phát triển tới hạn, không thể tiếp tục nữa bởi ô nhiễm không khí đã quá cao.
Bên cạnh đó, trong mấy chục năm phát triển, Trung Quốc đã xây dựng được một nền công nghiệp sản xuất các nhà máy nhiệt điện than và rất phát triển. Đến nay, khi không thể phát triển trong nước được nữa trong khi phải tiếp tục nuôi dưỡng ngành công nghiệp này, Trung Quốc tìm cách đầu tư ra nước ngoài.
Về phía các nước kém phát triển hơn lại muốn phát triển năng lượng, trong đó rẻ nhất là nhiệt điện. Đây chính là cơ hội để Trung Quốc đầu tư.
"Việt Nam và các nước kém phát triển đang cần năng lượng, mà hiện nay năng lượng về nhiệt điện vẫn làm được. Nhưng chính đây là cội nguồn làm tăng ô nhiễm môi trường, tăng khí thải CO2,
Nếu Trung Quốc làm mà có cải tiến về kỹ thuật, công nghệ để giảm được khí thải thì tốt. Nhưng các nước như Việt Nam ham rẻ trong khi kỹ thuật, chất lượng thiết bị Trung Quốc lại lạc hậu nên giá rẻ dẫn đến ô nhiễm nhiều.
Đáng buồn là Việt Nam bởi kém cỏi nên chấp nhận mọi công nghệ, kể cả những công nghệ lạc hậu mà không tính đến phát triển lâu dài, đến hậu quả để lại cho con cháu.
Hệ quả là tới 90% các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam nhập công nghệ Trung Quốc và nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc xuất khẩu các nhà máy nhiệt điện than ô nhiễm của Trung Quốc có sự hỗ trợ của chính phủ nước này.
Theo công bố của Đại học Boston (Mỹ), từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cho vay hơn 43 tỷ USD cho các dự án điện than ở nước ngoài.
"Khi ngân hàng hỗ trợ lớn thì Trung Quốc sẽ xuất khẩu được nhiều, và khi ấy sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho lao động Trung Quốc, nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp Trung Quốc. Đó là lợi ích cục bộ của Bắc Kinh, họ không đứng trên quan điểm lợi ích toàn cầu.
Cần lưu ý rằng Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rất lớn, không chỉ là tín dụng xuất khẩu. Họ làm việc này đồng bộ, bài bản, không phải theo kiểu ngành nào biết ngành ấy.
Khi hỗ trợ được các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than, uy tín chính trị của Trung Quốc cũng cao lên", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.
Mắc bẫy hay tự chui vào bẫy?
Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, khi các nước nghèo nhận được viện trợ, hỗ trợ từ Trung Quốc, nhập khẩu công nghệ nhiệt điện với giá rẻ, họ sẽ phát triển được một số ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là nó tạo ra một tầng lớp cán bộ tham nhũng ở các nước kém phát triển.
"Dư luận đã nói nhiều về việc viện trợ, mua bán với Trung Quốc đi liền với đút lót, hối lộ. Phần nhiều ở những nước kém phát triển, quyền lực nằm trong tay những chính khách lớn, những người có chức có quyền. Do đó, Trung Quốc chỉ cần đút lót cho những người này thì muốn làm gì cũng được.
Các nước phát triển nhìn ra ngay sự hai mặt của Trung Quốc. Còn đối với các nước chậm phát triển hơn, cũng có một bộ phận nhìn ra nhưng không phải là bộ phận cầm quyền. Đó là bộ phận chỉ được quyền nói, không được quyền làm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam thẳng thắn.
Bởi vậy, ông tin rằng các nước khó mà tránh được việc ôm "trái đắng" từ những công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường của Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng không phải Việt Nam "mắc bẫy" mà tự mình chui vào.
"Người Việt không đến nỗi không biết hậu quả của việc nhập những công nghệ lạc hậu, ô nhiễm của Trung Quốc về, nhất là các chuyên gia, các nhà khoa học đều biết cả. Thế nhưng, như đã nói, quan trọng là người có quyền quyết định. Đó không phải là một người mà là một nhóm lớn", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ rõ.
Ông cũng tỏ ra không mấy tin tưởng vào việc sẽ không còn bóng dáng Trung Quốc trong các dự án nhà máy điện thời gian tới của Việt Nam.
"Có chăng người ta nói để yên lòng dân, chứ thực tế chưa chắc đã phải như vậy. Trung Quốc bỏ tiền ra, cho Việt Nam vay vốn thì nhà thầu phải là của họ.
Ngay cả khi Việt Nam đặt điều kiện về xuất xứ, tiêu chuẩn thiết bị, máy móc, chẳng hạn tiêu chuẩn EU, tiêu chuẩn Đức, Nhật, Mỹ... thì Trung Quốc vẫn chấp nhận. Ấy là vì họ hợp tác với các doanh nghiệp của EU, Nhật, Mỹ... rồi sản xuất các thiết bị, máy móc ấy ở Trung Quốc với một chất lượng kém hơn, công nghệ lạc hậu hơn mà vẫn được gắn mác EU, Mỹ, Nhật...
Trung Quốc có thể lý giải rằng đó là liên doanh, đã mua của các nước phát triển, nhưng những máy móc, thiết bị ấy khi chạy mới chết dở. Việt Nam đã có nhiều bài học về chuyện này, mà Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình... là ví dụ điển hình", ông Nam phân tích.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề lợi ích nhóm thì còn nhập rác công nghệ, hứng ô nhiễm.
Theo Đất Việt