Đánh giá về Nghị định 67, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: “Đây là chủ trương lớn đột phá mang tính đồng bộ, đúng và trúng với nguyện vọng của ngư dân, nhằm góp phần vào phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67 tổ chức sáng nay 1.8. |
Phó Thủ tướng khẳng định, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực vào bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghi định 67. Phó Thủ tướng cho biết: “Chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đang làm. Cơ sở hạ tầng nghề cá vừa thấp vừa thiếu đồng bộ, việc đầu tư chưa tương xứng, chưa tạo ra hệ tầng nghề cá chất lượng để hỗ trợ hậu cần nghề cá phát triển. Hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa đảm bảo an toàn cho hoạt động tàu cá trên biển.
Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân chậm, thủ tục còn gây khó khăn cho ngư dân. Các chính sách về bảo hiểm còn có vướng mắc khiến việc triển khai chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Công tác kiểm soát chất lượng tàu cá đang là vấn đề cần nghiêm túc xem xét lại".
Tàu 67 bị rỉ sét do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương dùng thép Trung Quốc không đạt chuẩn |
Đối với việc giám sát quá trình đóng tàu, theo Phó Thủ tướng: "Không thể để ngư dân giám sát, người dân làm sao có thể giám sát được. Ngư dân chỉ biết mua tàu cá về sử dụng. Bây giờ chúng ta mua ô tô, xe máy, chúng ta có đi giám sát quá trình sản xuất không, vậy sao ngư dân phải giám sát quá trình đóng tàu?".
Do đó, Phó Thủ tướng khẳng định cần tăng cường tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, lương tâm của các cơ sở đóng tàu. Đặc biệt khâu giám sát thi công, đăng kiểm, đóng tàu còn nhiều hạn chế khiến rất nhiều tàu ở một số địa phương không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho ngư dân, gây bức xúc trong xã hội.
“Từ hạn chế trên, với mục tiêu Nghị định 67 đặt ra nhiệm vụ rất nặng cho chúng ta trong thời gian tới. Một mặt thực hiện được mục tiêu Nghị định 67, đồng thời chỉnh sửa Nghị định sao cho phù hợp, áp dụng dễ hơn, hiệu quả hơn” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành liên quan phải tập trung triển khai ngay 7 nhóm chính sách và một số công việc.
Tàu vỏ thép BĐ 99004 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lý đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét. |
Thứ nhất, sớm khắc phục sự cố tàu vỏ thép hỏng hóc, việc này phải làm ngay, đây là việc vừa có ý nghĩa kinh tế, có ý nghĩa chính trị, xã hội cao.
Thứ hai, xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức có sai pham trong vụ việc đóng tàu hư hỏng, đóng mới không đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, tổng hợp rà soát lại các cơ sở đóng tàu, đưa vào các đơn vị có chất lượng, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đảm bảo chất lượng. Phải rà soát lại thiết kế tàu cá, nếu chưa phù hợp thì cần làm cho phù hợp hơn.
Thứ tư, các ngân hàng cần tháo gỡ những khó khăn trong việc vay vốn.
Thứ năm, quy trình đăng kiểm tàu cá cần làm chặt chẽ đảm bảo tàu xuất xưởng phải chất lượng. Nếu tàu đi vào hoạt động không tốt, đăng kiểm phải chịu trách nhiệm.
Thứ sáu, tăng cường giám sát quá trình đóng tàu, người dân, ngư dân cũng cần tham gia quá trình này để xem tàu cá cần thêm bộ phận nào, lược bỏ bộ phận nào.
Thứ bảy, rà soát quy hoạch lại số lượng tàu cá, để xem cần tăng hay giảm số lượng tàu. Rà soát gắn với điều tra nguồn lợi thủy sản để vừa đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, đồng thời phù hợp với khả năng đánh bắt thủy sản, đáp ứng được yêu cầu tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NNPTNT, Văn phòng Chính phủ tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 để ban hành trong quý 4.2017, thực hiện từ quý 1.2018. Tập trung sửa đổi để huy động được nguồn lực xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, các cảng cá trọng tâm, cơ chế cho vay phù hợp; quy định rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan đối với các cơ sở đóng tàu mới; sửa đổi bổ sung để có chính sách ưu đãi thuế, đúng với các quy định hiện hành. |
Theo Dân Việt