|
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác hoạt động kém đã gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước về đóng tàu phát triển thuỷ sản |
Đây chính là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu trong Hội nghị tổng kết việc thực hiện nghị định 67/2004 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản vào sáng ngày 1-8.
Khắc phục cho ngư dân trước, xử lý trách nhiệm sau
Ông Tám khẳng định một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác hoạt động kém đã gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước về đóng tàu phát triển thuỷ sản.
Đối với vụ nhiều tàu cá tại Bình Định bị hư hỏng, ông Vũ Văn Tám cho biết sau vụ việc, tỉnh Bình Định đã vào cuộc xử lý quyết liệt, nhờ đó tình hình tàu cá đang từng bước được khắc phục.
"Quan điểm xử lý của bộ là buộc các cơ sở đóng tàu phải có biện pháp khắc phục. Ưu tiên trước tiên là sữa chữa, khắc phục hư hỏng để sớm có tàu cho ngư dân ra ngơi. Sau đó kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân”, ông Tám khẳng định.
Theo ông Tám, qua thống kê đã có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân bị hư hỏng như rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản.
Cụ thể, tỉnh Bình Định nhiều nhất với 19 tàu, Thanh Hóa có 18 tàu, Phú Yên 2 tàu và Quảng Nam 1 tàu.
Trước vụ việc trên, ông Tám khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban có hàng loạt văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở đóng tàu và hướng dẫn thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.
Theo ông Tám, Bộ đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế các tàu cá bị hỏng tại nơi neo đậu và làm việc với địa phương, cơ sở đóng tàu và ngư dân để xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu, các tàu vỏ thép đã đóng và đang đóng trên phạm vi toàn quốc để chấn chỉnh. UBND tỉnh Bình Định đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các sự cố của tàu vỏ thép để đưa vào sản xuất, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Tám nhấn mạnh.
Ông Tám cũng cho biết hiện nay, các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định.
Đối với chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói rằng theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11% (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%, tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). |
"Dự kiến đến cuối tháng 8-2017 sẽ hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động”, ông Tám nói.
Khắc phục năm vướng mắc trong Nghị định 67
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, việc thực hiện Nghị định 67 còn có nhiều tồn tại, vướng mắc cần khắc phục.
Thứ nhất, về chính sách đầu tư, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ như chưa quy định đối với các hạng mục mái che, kho lạnh.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế: năm 2015 tăng 30,5% so với 2014, năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015.
Thứ hai, về chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do một số ngân hàng thương mại còn yêu cầu thêm tài sản thế chấp như sổ đỏ hoặc tài sản khác bổ sung.
Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công. Công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.
Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, chính sách vay vốn lưu động còn hạn chế do lãi suất cho vay cao, phương thức cho vay, cơ chế cho vay chưa phù hợp và chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại nên chưa tạo được sự tích cực cho vay và ngư dân thấy quá phiền phức nên không muốn vay.
Vì vậy với mục đích của chính sách này là không để ngư dân phải lệ thuộc vào chủ nậu vựa để chuẩn bị cho các chuyến biển là chưa đạt được.
Thứ tư, trong chính sách bảo hiểm, năm 2017, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo nghị định 67/2014 đã phát sinh vướng mắc từ đầu năm đến nay làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải cho các tàu đang đóng hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong do không có bảo hiểm nên không đi biển được.
Thứ năm, còn vướng mắc đối với các chính sách khác như chính sách về đào tạo, hướng dẫn thuyền viên.
Do đặc điểm của các chủ tàu là khi tàu được đóng xong mới tìm kiếm thuyền viên đi biển nên ảnh hưởng đến việc đăng ký và phê duyệt danh sách thuyền viên được đào tạo, vận hành tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới và đào tạo nghề.
Về thiết kế mẫu tàu cá, theo ông Tám, do hướng dẫn và giám sát chưa tốt nên nhiều cơ sở đóng tàu, chủ tàu và tư vấn thiết kế đã không áp dụng mẫu thiết kế đã được ban hành.
Các cơ sở viện cớ không phù hợp để thiết kế lại từ đầu đối với từng con tàu để tính chi phí thiết kế đơn chiếc dẫn đến chi phí đóng tàu tăng, thời gian thực hiện kéo dài. Các địa phương thiếu giám sát, phát hiện, kiến nghị hoặc chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.
Theo TTO