Ngân hàng không cho vay đóng tàu, đừng “mơ màng” có khen thưởng cuối năm

Thứ ba, 01/08/2017, 14:42
Khẳng định tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 67 tổ chức sáng nay 1.8, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết nếu ngân hàng thương mại nào trên địa bàn không triển khai cho ngư dân vay vốn đóng tàu mới thì tỉnh Khánh Hòa sẽ không xem xét danh hiệu thi đua, phần thưởng cuối năm.

Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510; đến 31.7.2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Tính đến ngày 15.7.2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng.

Về việc cho vay đóng tàu mới, theo phản ánh của các địa phương, ngư dân rất khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại, thủ tục rườm rà, đây là một trong những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 67.

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phản ánh, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ mới có các ngân hàng như Agribank, BIDV… đã tiến hành cho ngư dân vay vốn đóng tàu, còn nhiều ngân hàng chưa tham gia thực hiện cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67, điều này là không thể chấp nhận được.

Nghị định 67 là chính sách lớn của Đảng nhà nước, rất nhiều Bộ ban ngành tham gia triển khai. Chính vì vậy tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định nếu các ngân hàng thương mại nào không tham gia cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67 thì cuối năm sẽ không xem xét thi đua. Không có lý do gì chính sách đưa ra mà các ngân hàng không tham gia. Không mơ màng gì đến xét phần thưởng thi đua cuối năm.

Tàu vỏ thép BĐ 99004 TS của ngư dân Nguyễn Văn Lý đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét.

Bên cạnh đó Bộ Tài Chính phải nghiên cứu để bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân gặp rủi ro trên biển như bị chèn thuyền hay bị tàu khác bắt, hiện các trường hợp này không được bảo hiểm.

Hiện nay ở Bình Định ngư dân có tàu hư hỏng đang nằm bờ đang gặp nhiều khó khăn, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Ngư dân có tàu nằm bờ trong thời gian dài khó trả lãi ngân hàng. Tỉnh Bình Định đang phối hợp với ty Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn bạc để có giải pháp đền bù cho những ngư dân này. Tỉnh buộc 2 công ty này phải đền bù cho ngư dân khoản kinh phí cụ thể. Hai công ty này đồng ý đền bù. Hiện nay sở NNPTNT đang tính toán cụ thể tiền đền bù.

Ông Trần Châu cho biết thêm, đối với 20 tàu đang nằm bờ, UBND tỉnh đang kiểm tra chi tiết khó khăn từng hộ, tỉnh sẽ hỗ trợ gạo cho từng hộ. Tất cả các hộ này đều kiến nghị ngân hàng xem xét dãn thời gian trả nợ, trước đây mỗi tháng trả một lần, nay ba tháng, sáu tháng trả một lần hoặc khoanh nợ một năm cho ngư dân.

Để trách nhiệm chính quyền địa phương rõ ràng hơn, ông Trần Châu đề nghị Bộ NNPTNT cho phép UBND tỉnh tham gia quá trình đóng tàu mới từ đầu đến lúc tàu đi vào vận hành khai thác. Nếu không làm như thế thì tình trạng tàu cá đóng mới kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra. Đây là trách nhiệm của Trung ương và chính quyền địa phương nhằm để tàu cá đóng mới có chất lượng.

Trong Nghị định 67, việc đầu tư hạ tầng cho nghề thủy sản chưa được ưu tiên,  chính vì vậy ông Mai Nhị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung nguồn vôn đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng, cảng cá.

Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 67, ông Cao Đức Phát – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “So với mục tiêu đề ra, kết quả đạt được còn khiêm tốn, mới chỉ đạt 1/3 số tàu được đóng, thiếu cơ sở hạ tầng, các cảng chưa được nâng cấp tương thích, hệ thống cảnh báo, vấn đề đào tạo thuyền viên, việc thanh kiểm tra giám sát cần được tăng cường hơn.

Chúng tôi ủng hộ để tiếp tục triển khai Nghị định 67 để chủ trương của Đảng thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra từ năm 2014”.

Để cho chương trình triển khai hiệu quả, ông Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta nên thiết kế rõ hợp phần nguồn lực, trách nhiệm bộ máy chỉ đạo rõ ràng hơn, thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn đôn đốc để địa phương triển khai thực hiện.

Tiếp tục hỗ trợ đóng mới để nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt. Mục tiêu không để tăng số lượng tàu, mà chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa tàu cá, nhất là tàu đánh bắt xa bờ, để nâng cao hiệu quả đánh bắt”.

Đề nghị Chính phủ xem xét tăng vốn đầu tư, để nâng cấp cơ sở hạ tầng tương thích với đội tàu mới trong đó có cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các trung tâm tàu cá, nâng cấp hệ thống giám sát tàu cá trên biển.

Ông Cao Đức Phát – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn