'Ngành nào không giải ngân được vốn ODA sẽ cắt'

Thứ tư, 02/08/2017, 08:54
Tại cuộc họp về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao tính cạnh tranh trong việc đấu thầu dự án. Tránh các nhà thầu thiếu năng lực.

Chiều 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng dự.

Không làm được sẽ cắt vốn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 6, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD.

Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026. Tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.             .

Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian qua, vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Thủ tướng cũng nêu rõ phải bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017-2020, đặc biệt là năm nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ và các địa phương, để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua.

“Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh. Ông không làm được thì ông thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tránh tình trạng chỉ định nhà thầu thiếu năng lực

Thủ tướng nhấn mạnh phải nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu. Tránh để tình trạng chỉ định các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan các dự án có tính chất kỹ thuật phức tạp, đặc thù như dự án đường sắt đô thị. Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức có liên quan để đầu tư, xây dựng, vận hành và triển khai đường sắt đô thị tại Việt Nam.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tổng hợp, thống kê suất đầu tư các dự án đường sắt đô thị trên thế giới, khu vực, quy mô, mặt bằng giá để làm cơ sở cho việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần sớm xây dựng kế hoạch năm 2018 kèm theo kế hoạch tài chính 3 năm trong đó có kế hoạch ODA.

“Cái gì ta làm được, dân ta làm được thì ta phải làm. Cái gì bức xúc, đặc biệt công trình hạ tầng, chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi”, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân.

Theo Zing

Các tin cũ hơn