"Cặp bài trùng" Trầm Bê - Phan Huy Khang khiến Sacombank điêu đứng?

Thứ tư, 02/08/2017, 10:06
Đồng hành với Trầm Bê, ông Phan Huy Khang từ một Tổng giám đốc của ngân hàng thường thường bậc trung trở thành Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam. Ông Khang cũng góp phần đẩy SouthernBank rơi vào bết bát, còn Sacombank thì điêu đứng với hơn 60 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Ngay sau khi có tin ông Trầm Bê, nguyên Thành viên HĐQT và ông Phan Huy Khang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank bị khởi tố vào ngày 1.8.2017 do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng, Sacombank đã phát đi thông tin về kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo kết quả giám định này, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Các khoản vay trên, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ từ tháng 4.2014. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị, điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23.02.2017 và từ ngày 3.7.2017 đối với ông Phan Huy Khang.

Ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Sacombank

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình kinh doanh hoạt động trong ngân hàng, với hơn 25 năm kinh nghiệm thì ông Phan Huy Khang có 12 năm luôn đồng hành cùng Trầm Bê, lúc lên cùng lên và giờ thì cùng bị khởi tố. Năm 2005, Trầm Bê bắt đầu vào SouthernBank với vị trí thành viên HĐQT, khi đó ông Phan Huy Khang đang làm việc tại ngân hàng này. Sau khi ông Trầm Bê giữ chức Phó chủ tịch HĐQT vào năm 2009 thì đến năm 2010 ông Phan Huy Khang đảm nhiệm chức tổng giám đốc.

Như vậy, trong quá trình SouthernBank rơi vào bết bát đều có sự đồng hành của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang trước khi về Sacombank. Được biết, trong năm 2014, SouthernBank lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên SouthernBank không thể chia cổ tức.

Đến năm 2011, tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank, ông Phan Huy Khang được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015. Đây là thời điểm ông Trầm Bê tham gia thâu tóm Sacombank thông qua việc mua gom cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, Trầm Bê và những người có liên quan đang nắm giữ 9,49% cổ phần Sacombank.

Đến cuối tháng 5.2012, tại ĐHĐCĐ thường niên của Sacombank đã diễn ra một cuộc cuộc thay máu gần như hoàn toàn bộ máy HĐQT của ngân hàng này với gần nửa thành viên đến từ SouthernBank. Cụ thể, các thành viên HĐQT gồm ông Trầm Bê, ông Phạm Hữu Phú, ông Trần Xuân Huy, ông Trầm Khải Hòa, ông Phan Huy Khang, bà Dương Quỳnh Như và ông Nguyễn Miên Tuấn. Trong đó, ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa, ông Phan Huy Khang và bà Dương Quỳnh Như đều đến từ SouthernBank.

Và chỉ sau đại hội chưa đầy 1 tuần, ngay đầu tháng 6.2012, Sacombank đã thay tổng giám đốc và người được bổ nhiệm vào vị trí này chính là ông Phan Huy Khang.

Sau cuộc thâu tóm Sacombank, Trầm  Bê và  Phan Huy Khang, từ những lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần thường thường bậc trung ở khu vực phía Nam đã trở thành ông chủ của một ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam. Ông Phan Huy Khang lại trở thành người đại diện pháp luật cho một ngân hàng có tầm cỡ là Sacombank.

Ngay sau khi ngồi vào vị trí Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, Trầm Bê đã cùng Phan Huy Khang tính cuộc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank. Kết quả đúng như mong đợi, vào tháng 10.2015, SouthernBank chính thức sáp nhập vào hệ thống Sacombank.

"Cặp bài trùng" Trầm Bê và Phan Huy Khang

Thương vụ sáp nhập này đã đẩy Sacombank, từ một ngân hàng khoẻ mạnh thành một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao. Tại thời điểm 31.12.2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng.

Trước khó khăn của Sacombank, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng này phải đẩy mạnh tái cơ cấu từ năm 2017. Ngày 30.6.2017, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2016, 2017 của Sacombank đã diễn ra thành công, bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2021 với Chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Minh.

Ngay sau ĐHĐCĐ 1 ngày, ngày 1.7, HĐQT mới của Sacombank đã ra Nghị quyết về việc thôi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Phan Huy Khang theo nhiệm vụ cá nhân. Ông Phan Huy Khang không còn là Tổng Giám đốc Sacombank kể từ ngày 3.7.

HĐQT cũng bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, giữ chức Tổng Giám đốc thay ông Phan Huy Khang. Trong thời gian chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, HĐQT thống nhất giao bà Nguyễn Đức Thạch Diễm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Sacombank và là người thực hiện công bố thông tin của Sacombank kể từ ngày 3.7.2017.

Như vậy, sau khi Trầm Bê rời khỏi Sacombank chính thức, Phan Huy Khang cũng rời khỏi ghế tổng giám đốc Sacombank. Và ngày 1.8, Bộ Công an chính thức phát đi thông báo liên quan đến việc khởi tố, bắt giam ông Trầm Bê, Phan Huy Khang cùng một hàng loạt bị can có liên quan đến vụ việc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng.

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, hành vi của Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 6.600 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Sacombank.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn