Ngày 28/7, ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thông tin, theo đề nghị của Bộ TN-MT, Viện đã tiến hành đánh giá hiện trạng khu vực dự kiến nhấn chìm trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 21/7/2017.
Đoàn khảo sát đã thực hiện phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh, và thấy địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm (30ha) khá bằng phẳng với độ sâu -35m đến -36.8m.
Đáy biển nơi nhận chìm bùn thải của Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chủ yếu là cát mịn. Ảnh minh họa |
"Kết quả phân tích sơ bộ mẫu trầm tích thu bằng cuốc lấy mẫu petite ponar của Mỹ tại 9 điểm trong khu vực cho thấy thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của thiết bị lặn SCUBA và thiết bị chuyên dụng, chúng tôi đã tiến hành quay video sinh cảnh nền đáy tại 5 khu vực.
Xử lý tư liệu cho thấy đây là sinh cảnh đáy mềm, khá nghèo sinh vật đáy kích thước lớn với ghi nhận một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô và cỏ biển.
Phân tích mẫu sinh vật đáy trong trầm tích đã ghi nhận một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay - là đối tượng được khai thác làm thực phẩm", ông Võ Sĩ Tuấn cho biết.
Kết quả khảo sát nói trên là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ TN-MTquyết định có giao vùng biển cho chủ đầu tư thực hiện nhận chìm hay không.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (VAST) sẽ tiếp tục kiểm tra lại toàn diện vấn đề môi trường liên quan đến dự án nhận chìm bùn thải nói trên.
Theo Đất Việt