Phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM sáng 28/7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường nói rằng, phần lớn các điểm ùn tắc (trong 37 điểm) tại thành phố đã được giải quyết nhưng vẫn còn 12 điểm phức tạp, nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Cảng Cát Lái.
"Khi đưa vào sử dụng hai cầu vượt trước sân bay ùn tắc có đỡ hơn, song chưa thể giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe ở đây", ông Cường nhìn nhận.
Ông Cường phân tích, quy hoạch được duyệt đến năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 25 triệu hành khách, một triệu tấn hàng hoá. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 18 triệu lượt khách qua sân bay, uớc tính đến cuối năm sẽ đạt khoảng 36 triệu.
Cũng theo quy hoạch, thành phố phải đồng bộ đầu tư các công trình giao thông kết nối quanh sân bay mới đáp ứng được sản lượng 25 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư các dự án mở đường mới, cải tạo đường cũ (22 dự án) vẫn chưa triển khai được. Riêng tuyến tàu điện ngầm đi qua sân bay phải hoàn thành vào năm 2020 nhưng dự án chỉ đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng.
"Vì vậy, để xử lý triệt để tình trạng ùn tắc ở Tân Sơn Nhất trên lý thuyết là đã không thể, mà chỉ có thể kéo giảm. Hiện, bên trong sân bay được sắp xếp lại, bên ngoài thì đẩy nhanh tiến độ, một số dự án khẩn trương giải phóng mặt bằng - như mở rộng nút giao Lăng Cha Cả", ông Cường nói và cho biết Sở đã tham mưu thành phố kiến nghị Thủ tướng cho cơ chế đặc biệt nhằm làm nhanh các dự án giao thông quanh sân bay.
Trước sân bay Tân Sơn Nhất bị ùn tắc suốt 4 giờ hôm 20/7. |
Về việc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ùn tắc suốt nhiều giờ hôm 20/7, ông Cường cho hay do cùng thời điểm xảy ra 3 sự cố: Lúc 9h xe buýt chết máy tại vòng xoay Lăng Cha Cả, ùn tắc lan rộng theo thời gian vì chậm xử lý hiện trường. Ngay lúc đó cũng có xe tải hỏng máy trên đường Phan Đình Giót làm cản trở lượng xe vào sân bay, ùn tắc lan rộng ra khu vực Phan Đình Giót - Hoàng Văn Thụ. 15 phút sau xảy ra vụ va chạm giữa taxi và ôtô con trên đường Trường Sơn.
Lực lượng CSGT đã bố trí hàng chục chiến sĩ nhưng không thể kiểm soát được tình hình do mặt đường bị thu hẹp bởi các xe bị hư hỏng, trong khi đó lượng xe rất lớn (trùng với thời điểm các xe tải nhỏ được phép ra vào khu vực sân bay để vận chuyển hàng hóa) đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng trên các tuyến đường Bạch Đằng, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Giót, Cộng Hòa.
"Sở cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng cơ chế để giải quyết nhanh sự cố, tránh ùn tắc lan dây chuyền. Lúc 17h chiều qua, tại cầu vượt Lăng Cha Cả cũng xảy ra 2 sự cố cùng lúc cả trên và dưới cầu. Tuy nhiên, các vụ việc đã được phát hiện và xử lý kịp thời nên chỉ sau 15 phút ùn tắc đã được giải tỏa", ông Cường cho biết.
Không chỉ quá tải trong đường lăn, nhà ga mà các tuyến đường bên ngoài kết nối quanh khu vực sân bay như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn… cũng quá tải do mật độ xe quá đông. Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở các tuyến đường này, chỉ cần một vụ tai nạn có thể khiến toàn bộ giao thông quanh sân bay rối loạn.
Mới đây, hôm 20/7, các tuyến đường quanh sân bay đã bị ùn tắc suốt 4 giờ, hàng nghìn ôtô, xe máy phải nhích từng chút một giữa trưa nắng, nhiều hành khách phải xách vali chạy bộ vào sân bay vì sợ trễ.
Theo VNE