Theo ông Bùi Thanh Bình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum - thông tin, vào ngày 30/6/2017, người dân 2 thôn Plei Sar và Lâm Tùng của xã Ia Chim (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tự ý tiến hành giăng dây, cắm cọc, chia lô và dựng lều canh giữ, yêu cầu công ty trả lại đất cho dân.
Quang cảnh buổi họp báo |
Ông Bình cho biết, trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP.Kon Tum vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, không được lấn chiếm đất đai, tự giác tháo dỡ lều bạt trái phép. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thiếu đất sản xuất làm đơn gửi các cơ quan chức năng để giải quyết.
Tuy nhiên, người dân các thôn không thực hiện việc tháo dỡ lều bạt mà còn tổ chức canh giữ, chiếm đất trái pháp luật.
Đến ngày 24/7, lực lượng chức năng đang tiến hành quá trình tháo dỡ thì người dân đã chống đối quyết liệt và tấn công lực lượng chức năng. Do vậy, TP.Kon Tum đã sử dụng lực lượng dự phòng, công cụ hỗ trợ để giải tán đám đông.
Chính quyền xã Ia Chim và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã dừng việc tháo dỡ. Sau đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ lều, bạt, cọc phân chia đất trái pháp luật, không tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Người dân tụ tập đông người đòi đất (ảnh cắt từ clip) |
Đến tối cùng ngày, người dân đã tự tháo dỡ các lều bạt nói trên. Hiện nay tình hình tại khu vực trên đã cơ bản ổn định.
Ông Huỳnh Tấn Phục - Chủ tịch UBND TP.Kon Tum - cho biết, có khoảng 300 đến 400 người dân đã đụng độ với lực lượng bảo vệ của nông trường cao su. Khi tình hình trở nên căng thẳng, lực lượng dự phòng đã được điều động để ngăn cản hai 2 bên.
“Đối với những người dân thiếu đất sản xuất và đất ở thực sự, TP.Kon Tum tuyên truyền người dân viết đơn xin được cấp đất để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến nay, tại 2 thôn trên mới chỉ có 16 đơn của người dân gửi lên”, ông Phục cho biết thêm.
Tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra việc tranh giành đất trên, đại diện Công ty cao su Kon Tum cho biết, gần 210ha đất người dân đòi là thuộc Nông trường Cao su Ia Chim của công ty. Đất này được công ty khai hoang năm 1985 từ rừng tự nhiên và đưa vào trồng cao su, không liên quan gì đến đất của người dân. Đến nay, cây cao su đã hết chu kỳ khai thác và đang thực hiện tái canh.
Theo Dân Trí