Luật lập căn cứ tại Syria: Gấu Nga hoàn toàn tỉnh giấc

Thứ sáu, 28/07/2017, 10:07
Trong quân sự,  phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại, chiến lược và chiến thuật hoàn hảo không thể thay thế lực lượng thường trực tại địa bàn chiến lược...

Reuters ngày 27/7 đưa tin, Tổng thống Putin đã ký phê chuẩn đạo luật cho phép không quân Nga được lập căn cứ hoạt động ở Syria, sau khi văn bản này đã được Hội đồng Liên bang Nga và Duma Quốc gia Nga thông qua vào đầu tháng này.

Nội dung đạo luật là thỏa thuận giữa chính phủ Nga và chính phủ Syria được ký vào ngày 18/1/2017, trong đó nêu rõ Syria đồng ý cho Nga được sử dụng căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia trong thời hạn 49 năm và tự động gia hạn thêm 25 năm.

Đạo luật này được xem là cơ sở pháp lý cho việc triển khai lực lượng không quân Nga ở Syria, qua đó tăng cường khả năng phòng thủ cho Syria, củng cố sự hợp tác về mặt quốc phòng giữa Nga và Syria.

Tổng thống Putin ký đạo luật cho hoạt động của không quân Nga tại Syria

Nội dung đạo luật đã quy định các điều kiện về quyền tài phán của Nga đối với không quân nước này tại địa điểm triển khai lực lượng, quy định những vấn đề liên quan tới quân nhân Nga, các thành viên trong gia đình họ và những cá nhân khác.

Giới phân tích cho rằng, với văn bản pháp lý này cho thấy "gấu Nga" đã chính thức tỉnh giấc sau kì nghỉ đông kéo dài hơn 1/4 thế kỷ, để mặc cho Mỹ tả xung hữu đột trong thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ.

Gấu Nga đã có một kỳ ngủ đông quá dài từ khi Liên Xô bất ổn và tan rã

Ngược dòng lịch sử, ngày 14/3/1990, Đạo luật số N.360-I về việc sửa đổi Hiến pháp Liên Xô năm 1977, đã được Xô viết Tối cao thông qua, chức danh Tổng thống đã chính thức trở thành một định chế trong hệ thống chính trị của Liên bang Xô viết.

Sự kiện này được xem là một cột mốc cực kỳ quan trọng lịch sử chính trị thế giới, bởi từ đây bản chất của nhà nước Xô viết đã chính thức thay đổi. Và sự kiện này cũng được xem là dấu chấm hết cho sự tồn tại của thế giới lưỡng cực.

Tiếp sau đó, ngày 1/7/1991 Khối hiệp ước quân sự Warszawa chính thức giải thể cùng với đó là việc Liên Xô rút toàn bộ lực lượng tại các căn cứ quân sự của mình ở nước ngoài - một Liên Xô cường quốc quân sự đã không còn nữa.

Trước bối cảnh đó, tháng 11/1991, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi phát biểu tại thành phố Houston, bang Texas của nước Mỹ đã cho biết, phương Tây vẫn coi Liên Xô là một nguy cơ đối với họ, nhưng không còn là mầm hoạ nữa.

Khi Liên Xô tan rã và nước Nga - thực thể kế thừa Liên Xô - rơi vào hỗn loạn, sức mạnh của cường quốc quân sự Liên Xô ngày nào chỉ còn được người ta nhớ tới là sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân - phương tiện của chiến tranh không quy ước.

Nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Nga thời hậu Xô viết, Boris Yeltsin đã xem nhẹ việc phát triển sức mạnh quốc phòng mà chỉ tập trung cho phát triển kinh tế.

Hậu quả là sự xuống cấp của phương tiện kỹ thuật quân sự khi kinh phí dành cho quốc phòng bị cắt giảm.

Bất lực nhìn NATO không kích Nam Tư là nỗi hận của Tổng thống Yeltsin

Ngay cả hệ thống tầu ngầm đến hàng không mẫu hạm và cả sân bay vũ trụ Baikonur đều thiếu kinh phí cho hoạt động và duy tu, bảo dưỡng.

Moscow chấp nhận để Washington và NATO làm mưa làm gió cùng với "Chiến lược Đông tiến" đưa mối đe doạ ngày càng sát tới biên giới nước Nga.

Đã có nhiều nhìn nhận rằng, sức mạnh quân sự của nước Nga thời hậu Xô viết, nếu không tính tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân, thì chỉ nằm ở dạng "thường thường bậc trung" trên thế giới mà thôi.

Khi NATO thực hiện không kích Nam Tư vào năm 1999, Tổng thống Yeltsin đã cố thực hiện một hành động nhằm khẳng định lại vị thế siêu cường quân sự của Liên Xô ngày nào, nhưng mọi việc dường như đã quá muộn với nhà lãnh đạo Nga.

Moscow bất lực hoàn toàn trước Washington và các đồng minh.

Khi tiếp nhận quyền lực, Tổng thống Putin nhanh chóng tập trung khôi phục lại tiềm lực quân sự của nước Nga đã bị mai một trong thập kỷ hỗn loạn dưới thời của Boris Yeltsin, song song với sự phục hồi nền kinh tế.

Năm 2014, khi NATO chuẩn bị cắm cờ trên biên giới nước Nga thì sức mạnh quân sự Nga đã hồi phục kịp thời. Không thể phủ nhận, Mỹ và phương Tây đã giật mình khi Tổng thống Putin thực hiện những nước đi trong ván cờ Ukraine, mà ở đó sức mạnh quân sự Nga là yếu tố chính tạo nên công lực cho các nước đi.

Ngày 30/9/2015, khi những cuộc không kích của quân đội Nga mở màn cho cuộc chiến chống khủng khủng bố tại Syria nhằm đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống Assad, đó cũng chính là lúc Moscow cho thấy sức mạnh quân sự của Liên Xô đã được khôi phục - một nước Nga siêu cường quân sự đã trở lại.

Gấu Nga đã chính thức tỉnh giấc

Ngày 17/1/2017, khi trả lời phỏng vấn đài truyền MSNBC của Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà John McCain nhận định Tổng thống Putin đã trở thành nhân vật chủ chốt tại Trung Đông.

Theo Thượng nghị sĩ nổi tiếng của bang Arizona, trên thực tế Mỹ đã đánh mất vị thế thống soái của mình tại Trung Đông khi không thể hiện được vai trò của mình tại vùng đất nóng này.

Căn cứ ở nước ngoài là một phần quan trọng của sức mạnh quân sự Mỹ

Giới phân tích cho rằng, xét về lực thì hiện nay Nga chưa thể so với Mỹ. Gần 1/4 thế kỷ thời hậu Chiến tranh Lạnh, sức mạnh Mỹ đã xoá bỏ nhiều quân cờ, tạo ra nhiều ván cờ mới, qua đó nhiều quan hệ đồng mình, đối tác của Mỹ đã được xác lập.

Moscow chỉ có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của Washington qua việc tạo ưu thế cho mình.

Tạo ra lợi thế rồi từ đó chiếm ưu thế trước đối thủ ngay tại địa bàn chiến lược của đối phương là dấu ấn đậm nét nhất của Tổng thống Putin trong các nước cờ tại Trung Đông.

Tổng thống Putin đã giúp Moscow chiếm thế chủ động, đẩy Washington vào thế bị động trong cả nước đi của mình lẫn trong nước đi của chính đối thủ, điều đó khiến cho Mỹ không thể dùng lực để tạo ra những thế cờ mới tại vùng đất nóng mà Washington đã đóng vai trò thống soái trong mấy chục năm qua.

Có thể thấy rằng, việc Tổng thống Putin chọn đưa nước Nga trở lại bắt đầu từ Trung Đông khói lửa là một lựa chọn chuẩn xác, khi địa chính trị, địa chiến lược tại tất cả các khu vực trên toàn cầu đều đã được Mỹ và đồng minh của Mỹ chiếm lĩnh sau hàng thập kỷ nước Nga chìm trong hỗn loạn và khó khăn.

Mặc dù vậy, trong quốc phòng, việc dùng thế để đối phó với lực của đối phương chỉ tác dụng trong hoạt động quân sự, còn việc xây dựng chiến lược quân sự thì phải dựa trên sức mạnh quân sự, trong đó có hệ thống căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Việc Nga có căn cứ tại Syria sẽ ngăn chặn những quả Tomahawk bay vào Syria

Bởi lẽ, một quân đội, dù có phương tiện kỹ thuật và vũ khí dù có hiện đại như thế nào đi nữa, dù có chiến lược, chiến thuật hoàn hảo như thế nào đi nữa, cũng không thể thay thế được vai trò của sự hiện diện thường trực tại những địa bàn chiến lược.

Chẳng hạn, khi Trung Đông có biến, căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar sẽ là nơi tác chiến đầu tiên, khi Đông Bắc Á gặp nguy, căn cứ quân sự Mỹ tại Nhận Bản, Hàn Quốc sẽ là nơi có hành động đáp trả đầu tiên, khi châu Âu bị đe doạ, NATO sẽ hành động...

Nga không được kế thừa điều đó, bởi nhà lãnh đạo cuối của Liên Xô là Mikhail Gorbachev đã quyết định rút khỏi tất cả các căn cứ quân sự ở nước ngoài, để chứng minh Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhằm tìm kiếm sự hỗ của phương Tây.

Chính vì vậy, việc Tổng thống Putin ký đạo luật cho phép không quân Nga lập căn cứ tại Syria là một dấu mốc quan trọng với sự trở lại của Nga với vị thế của một siêu cường quân sự - gấu Nga đã chính thức tỉnh giấc.

Việc Nga lập căn cứ tại Syria là một nước đi chiến lược cực kỳ quan trọng khi chính thức đưa Nga và Syria trở thành đồng minh quân sự. Từ đây hành động của quân đội Nga tại Syria không chỉ là hỗ trợ tấn công khủng bố, không chỉ là bảo vệ an ninh cho Syria  mà còn là mở rộng tầm ảnh hưởng Nga tại địa bàn chiến lược Trung Đông.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn