Nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản ra nước ngoài

Thứ ba, 01/08/2017, 17:31
Cục Chống tham nhũng cho rằng, nghi can tham nhũng thường che giấu tài sản, làm đủ kiểu để tẩu tán ra nước ngoài.

Sáng 1/8, trao đổi với PV về việc thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng khi ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú, ông Phạm Trọng Đạt (Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ) cho biết toàn bộ tài liệu thanh tra, dấu hiệu sai phạm của Trịnh Xuân Thanh đã được chuyển cơ quan điều tra. Trường hợp công an chứng minh được có tài sản tham ô, tham nhũng thì bắt buộc phải thu hồi.

"Tuy nhiên không dễ phát hiện, họ thường làm đủ kiểu để tẩu tán ra nước ngoài", ông Đạt nói và cho hay nếu phát hiện ra rồi thì việc thu hồi cũng không đơn giản. Bởi điều này phụ thuộc vào quốc gia mà ông Thanh bị nghi tẩu tán tài sản có ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hay không, cũng như hàng loạt quy định quốc tế khác.

Trường hợp chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng vẫn có cách giải quyết, căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 mà Việt Nam là một trong 136 thành viên.

Theo đó, một quốc gia thành viên nhận được yêu cầu từ thành viên khác thì có quyền tài phán về việc tịch thu tài sản do phạm tội mà có...

'Quan lộ' thăng trầm của ông Trịnh Xuân Thanh

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi) để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian làm lãnh đạo tại đây.

Theo nhà chức trách, đang từ đơn vị làm ăn có lãi, PVC dưới thời điều hành của ông Thanh trở thành “con nợ khủng” của các ngân hàng. Doanh nghiệp này bắt đầu kinh doanh sa sút từ 2012, thời điểm ông Thanh đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Do một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ, đặc biệt hàng loạt công ty con, công ty liên kết mà PVC đã rót vốn làm ăn thua lỗ trong năm này, PVC lỗ gần 1.850 tỷ đồng vào năm 2012 và tiếp tục tăng những năm sau đó.

Trong số này có Công ty cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC - ME) mất toàn bộ vốn chủ sở hữu sau 3 năm hoạt động và gánh thêm khoản nợ trên 576 tỷ đồng.


Diễn tiến vụ án Trịnh Xuân Thanh

- Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố vụ án.

- Chiều 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.

- Ông Thanh (50 tuổi) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục khởi tố ông Thanh về hành vi tham ô tài sảnkhi làm Chủ tịch HĐQT PVC.

- Tháng 10/2016, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết: "Khi đang xem xét kỷ luật khai trừ Đảng thì Thanh lẳng lặng vượt biên, trốn ra nước ngoài rồi bay sang châu Âu".

- Ngày 6/12/2016, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam sẽ phối hợp với các nước để "bắt bằng được" Trịnh Xuân Thanh.

- Ngày 31/7, Bộ Công an thông báo ông Thanh "ra đầu thú". Hiện, 11 người liên quan vụ án đã bị khởi tố về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, từ trước đến nay thì hành vi đầu thú vẫn được xác định và áp dụng là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội, tuy nhiên lại không được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) đã nêu rõ hơn việc này, điều 51 quy định: Khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Theo VNE

Các tin cũ hơn