|
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho trong hội nghị của Phong trào không liên kết năm 2016 - Ảnh: Reuters |
Sáng 8-8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi bản tin mang tính "nhắc nhở" rằng nước này sẵn sàng đáp trả kẻ thù bằng "tất cả sức mạnh quốc gia".
Tuyên bố được dẫn lại từ Ủy ban hòa bình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đảng lao động Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, trước đó một ngày, phát biểu trong Diễn đàn khu vực ASEAN tại Manila (Philippines), Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nhấn mạnh sẽ không có đàm phán về vấn đề hạt nhân nếu Mỹ không từ bỏ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Triều Tiên cũng sẽ không đem hạt nhân và các tên lửa đạn đạo ra bàn đàm phán. Triều Tiên, một tấc cũng không đi không rời khỏi con đường xây dựng lực lượng hạt nhân do chính mình chọn, trừ khi các chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ đối với Bình Nhưỡng biến mất", nhà lãnh đạo ngoại giao Triều Tiên tuyên bố thẳng.
Ông Ri cũng lên án nghị quyết trừng phạt số 2371 (2017) của Hội đồng Bảo an (HĐBA) và dọa sẽ trả đũa động thái do Mỹ khơi mào.
Nghị quyết trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư và kiều hối của Triều Tiên được HĐBA thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối 15/0 vào ngày 6-8. Trung Quốc, quốc gia thân cận với Triều Tiên, đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Bắc Kinh chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của Bình Nhưỡng và là nơi có nhiều lao động Triều Tiên làm việc nhất, sau Nga.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong một động thái mang tính trấn an vào ngày 7-8, nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng "trả giá để thực thi nghị quyết" của HĐBA để "bảo vệ hệ thống phi hạt nhân quốc tế, ổn định và hòa bình khu vực".
Tuyên bố được nêu ra trong một thông báo của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN từ Manila, Philippines ngày 8-8.
Trước đó, ông Vương, trong cuộc gặp với người đồng cấp Ri Yong Ho bên lề Hội nghị ngày 6-8, đã nhắn nhủ Bình Nhưỡng nên hành động "khôn ngoan" và "đừng thách thức thiện ý của cộng đồng quốc tế bằng cách thử hạt nhân và tên lửa”.
Mỹ, quốc gia viết đề xuất trừng phạt Triều Tiên lần này, đã đặt ra điều kiện đối thoại là khi Bình Nhưỡng "ngừng thử tên lửa".
Giới quan sát nhận định cách các bên đặt điều kiện lại một lần nữa rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát bởi lâu nay vẫn đưa ra các để xuất không hề khác và chưa từng bên nào chìa tay thực thi.
Sẽ mất ít nhất vài tháng để biết được lệnh trừng phạt mới có thật sự hiệu quả.
Theo TTO