Đại dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Thứ ba, 08/08/2017, 09:26
Theo các chuyên gia, bên cạnh vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án, những vấn đề liên quan đến quặng chứa tỷ lệ kẽm quá cao so với mức bình thường, nguy cơ về ô nhiễm môi trường, xử lý cát khai thác sẽ là những trở ngại lớn cho dự án mỏ Thạch Khê. Việc tạm thời dừng dự án, đợi khi công nghệ xử lý quặng có tiến bộ mới đưa vào khai thác cũng chưa muộn.

Công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Nhiều băn khoăn về hiệu quả

Được coi là một trong những dự án lớn của ngành thép, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh, được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) bắt đầu triển khai năm 2008 với tổng mức đầu tư 9.932,2 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng theo quyết định phê duyệt lần đầu là 3.898 tỷ đồng.

Đến ngày 2/12/2014, dự án được điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư tăng lên tới 14.517,2 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 cần vốn đầu tư 6.777,4 tỷ đồng, giai đoạn hai là 7.739,8 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng cho dự án cũng tăng thêm xấp xỉ 1.000ha. Theo tính toán của chủ đầu tư, mỏ có tuổi thọ 52 năm.

Trước những vấn đề liên quan đến mỏ Thạch Khê, trong một văn bản gửi 4 bộ có liên quan và UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng giám đốc TIC cho hay, giai đoạn từ năm 2008 đến tháng 7/2011, công ty đã triển khai thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến độ sâu âm 34m so với mực nước biển.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2011, hoạt động bóc đất tầng phủ phải tạm dừng để tập trung tái cơ cấu cổ đông và huy động vốn cho dự án cũng như điều chỉnh dự án, trình thẩm định, điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án xả thải... Công tác thẩm định dự án cũng được Bộ Công Thương và Bộ TN-MT lập hai hội đồng thẩm định quốc gia để đánh giá.

Theo lãnh đạo TIC, công ty đã tạm dừng bóc đất tầng phủ, thu hồi quặng trong tầng phủ bán cho Công ty CP Thép Hòa Phát 3.000 tấn, tạo ra diện quặng sẵn sàng khai khác 1 triệu tấn. Tuy nhiên, cùng với việc xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác, công ty bắt đầu đối mặt với những khó khăn do một số cổ đông không góp vốn đúng cam kết. Đến tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án, để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Cùng với những khó khăn về công nghệ, sau một thời gian dài dừng dự án, TIC đã buộc phải giảm cơ cấu từ 9 cổ đông xuống còn 5 cổ đông. Đến tháng 3/2015, sau khi tái cơ cấu cổ đông, TIC tiếp tục huy động vốn nhưng chỉ có hai cổ đông góp vốn là TKV và cổ đông Thăng Long nhưng cổ đông Thăng Long góp thiếu 10 tỷ đồng.

Để triển khai dự án TKV đã nâng vốn điều lệ từ 52% lên 59,5% và công ty Thăng Long nâng từ 3% lên 12,45%. Tổng vốn góp của các cổ đông tính đến 6/3/2017 là 1.809 tỷ đồng. Đến ngày 16/8/2016, TKV đã có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt phương án TKV tăng vốn góp vào TIC thay cho ba cổ đông (Mitraco, VnSteel và Bitexco) hiện không thực hiện nghĩa vụ góp vốn với tổng cộng 214 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn chưa được Bộ Công Thương có ý kiến.

Về việc triển khai dự án, trong văn bản số 5739 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện có nhiều ý kiến quan ngại về hiệu quả kinh tế của dự án cũng như nguy cơ sạt lở tầng khai thác và mỏ trên các tuyến đường vận tải… Bên cạnh đó, phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn chưa chắc chắn do chưa có cam kết tiêu thụ cụ thể trong giai đoạn từ 2022-2027.

“Theo báo cáo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Mitraco đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án, VnSteel và Bitexco không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn trong khi vốn chủ sở hữu đã giải ngân gần hết vào dự án, TIC không còn nguồn vốn chủ sở hữu để tiếp tục đầu tư trong khi vốn thương mại chưa chắc chắn. Có thể thấy năng lực tài chính của TIC không thể đảm bảo tiến độ đầu tư dự án theo cam kết nếu không tìm ra phương án huy động tài chính mới khả thi”, Bộ KH&ĐT cảnh báo.

Nên để dành cho con cháu và chờ công nghệ mới

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cựu lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam (vì lý do tế nhị không nêu tên) từng tham gia thẩm định dự án về sau này cho biết, sau khi mỏ dừng hoạt động, ông cùng đoàn công tác đã phải rất khó khăn mới tiếp cận được khu mỏ do cát đã vùi lấp một phần khu mỏ. Đường vào mỏ cũng rất khó khăn.

“Khi chúng tôi gặp những người dân sống gần khu mỏ ai cũng bày tỏ sự lo ngại ảnh hưởng đến sinh kế của mình khi dự án mỏ sắt đi vào hoạt động. Trong đoàn công tác của tôi cũng có một kỹ sư quê ở Hà Tĩnh và anh cũng xác nhận người dân đã rất khổ khi mỏ mới hoạt động”, vị này kể lại và cho biết đã từng gửi “tâm thư” đến một Phó Thủ tướng Chính phủ cảnh báo về việc dự án được thẩm định khá sơ sài.

Câu chuyện thu hút đầu tư vào ngành thép ở Hà Tĩnh, theo vị chuyên gia này, đã từng được nhắc đến và cũng đã có bài học cụ thể. Vì vậy, khi trao đổi với lãnh đạo một Vụ thuộc Bộ Công Thương, ông đã cảnh báo việc cần xem xét kỹ lưỡng triển khai dự án theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng Bộ KH&ĐT.

“Nếu Thủ tướng Chính phủ cho dừng dự án thì sẽ là phúc cho Hà Tĩnh. Nếu cố tình làm chắc chắn sẽ sa lầy do đây là một mỏ quặng rất đặc thù. Hiện các lò cao ở Việt Nam chưa có giải pháp triệt để chống kẽm cao trong quặng. Chưa kể, theo tính toán, giá thành để sản xuất, chế biến quặng từ mỏ Thạch Khê cao hơn từ 8%-10%”, ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, phương án đổ thải lấn biển (với khoảng 171,8 triệu m3) trên diện tích 923ha sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến môi trường chưa lường hết được.

Cũng theo cựu lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, với vấn đề kẽm quá cao trong quặng ở mỏ Thạch Khê, Việt Nam nên học kinh nghiệm từ Trung Quốc là tạm thời chưa khai thác và tập trung đi mua quặng ở nước ngoài. Chỉ khi trên thế giới có công nghệ hiệu quả để xử lý thì lúc đó mới đưa vào khai thác cũng không muộn. “Mua quặng ở nước ngoài dùng trước, tài nguyên trong nước để lại cho con cháu dùng sau, đây là cách mà Trung Quốc đã làm nhiều năm qua”, ông nói.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, việc dừng dự án sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt và quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các cổ đông đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án, nếu dừng sẽ có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp nhà nước. Với người dân địa phương, sẽ phải chịu ảnh hưởng của công trình xây dựng dở dang, mất an toàn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó là nguy cơ mất cơ hội việc làm cho 3.500 lao động tại địa phương…

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích