Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh).
Đây hiện là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá khoảng 35 tỷ USD, nhưng vẫn "ngủ say" nhiều năm nay.
VnEconomy dẫn văn bản nói trên cho biết, TIC là chủ đầu tư dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng lên tới 4.821ha.
Những hố sâu để lại sau khi TIC bóc đất tầng phủ. |
Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án sẽ có công suất 5 triệu tấn/ha, giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm. Thời gian xây dựng là 9 năm, tuổi thọ mỏ là 52 năm. Địa điểm xây dựng nằm tại 6 xã của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) gồm Thạch Khê, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.
TIC khẳng định dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên thông thường, với công nghệ áp dụng phổ biến trên thế giới cũng như các mỏ của TKV đang thực hiện.
Về công nghệ khai thác, tuyển quặng, phòng chống sạt lở bờ mỏ, bãi thải, thoát nước mỏ, vận tải đã được thẩm định bởi Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam, hội đồng thẩm định do Bộ Công Thương chủ trì và tư vấn nước ngoài thẩm định độc lập.
Về đầu ra cho quặng sắt Thạch Khê, TIC cho hay hiện đã có một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê như Hoà Phát, Thái Hưng với nhu cầu khoảng 5,7 triệu tấn/năm, đủ khả năng tiêu thụ giai đoạn 1.
Đến giai đoạn 2 tức sau năm 2020, khi các dự án thép tại Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm, Dự án thép Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm đi vào sản xuất… có thể sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê thì công suất 10 triệu tấn/năm sẽ tiêu thụ hết trong nội địa, chưa tính đến Liên hợp thép ở Hà Tĩnh do TIC đầu tư.
Về hiệu quả dự án, chủ đầu tư khẳng định mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn, hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp sẽ làm giảm giá thành sản xuất. Do đó, thời gian hoàn vốn dự án khoảng 9,5 năm.
"Dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn cho nhà nước, theo tính toán hàng năm nộp ngân sách dự án là 1.200 tỷ đồng trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 là 2.400 tỷ đồng. Tổng thu từ các khoản phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều khoản thuế khác”, văn bản của TIC nêu.
Đặc biệt, dự án còn góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ thương mại tại Hà Tĩnh, dịch phụ phụ trợ với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Đối với các nhà đầu tư là đem lại hiệu quả kinh tế. Theo tính toán, lợi nhuận của dự án đem lại cho nhà đầu tư là 66.391 tỷ đồng, sau thuế đạt 53.024 tỷ đồng.
Văn bản xin khởi động lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê của TIC được đưa ra sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Thủ tướng chưa khởi động lại dự án vào cuối năm 2016.
Theo đó, sau nhiều năm triển khai, dự án này còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng và khu vực lân cận.
Do vậy, việc phê duyệt dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần phải được xem xét một cách khách quan, khoa học và phát triển bền vững.
Chưa kể, tính về hiệu quả kinh tế, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ t hể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Bùi Văn Mưu, nguyên Giảng viên Bộ môn Luyện kim đen – Khoa KHCN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, mỏ Thạch Khê nằm sâu ở dưới nước biển, được xếp vào loại khó khai thác và rất đắt đỏ. Muốn khai thác đưa vào sử dụng cần phải có rất nhiều vốn. Tuy nhiên hiện nay nguồn ngân sách của chúng ta đang rất thiếu.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Chiều, nguyên Giảng viên Khoa KH-CN Vật liệu – ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá, Hiệp hội thép Việt Nam thời gian qua đã đưa ra nhiều cảnh báo về sự thay đổi lên xuống bất ổn của thị trường sắt thép. Vì vậy việc đầu tư mở rộng dự án thép hay tập trung nguồn tài chính để khai thác mỏ quặng sắt tại Thạch Khê, Hà Tĩnh cần phải xem xét hết sức thận trọng.
“Nếu chúng ta đổ ra 1 khoản tiền lớn mà sản phẩm làm ra không bán được hoặc không ổn định thì rất lãng phí. Với một nước giàu thì không sao, nhưng với Việt Nam thì việc này cần xem lại cho cẩn thận.
Thứ hai, chuyện môi trường Formosa làm cho chúng ta cảnh giác hơn. Với bài học nhãn tiền như vậy, tôi nghĩ Việt Nam không nên liều lĩnh. Trong một thời gian ngắn nhảy từ thảm họa này sang một thảm họa khác thì không nên. Khi chúng ta có đầy đủ thời gian để nghiên cứu thật tốt thì lúc đó cũng không muộn”, PGS.TS Chiều khẳng định.
Theo Đất Việt