Rất nhiều các sản phẩm bao gồm từ tôn, thép, gỗ... và giờ là tủ nhập khẩu của Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét áp thuế chống bán phá giá. Lệnh trên phát đi do Mỹ nghi ngờ hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam rồi xuất đi. Ông bình luận như thế nào về những động thái này từ phía Mỹ?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh:- Tôi không chắc chắn, nhưng tôi liên tưởng tới những đe dọa bóng gió về đòn trả đũa thương mại với Trung Quốc đã phát đi từ khi ông Donald Trump bước lên vũ đài chính trị.
Nhìn lại các động thái nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ theo cách gây sức ép với hàng hóa Trung Quốc, cấm nhiều mặt hàng có nguy cơ gây hại, dựng lên hàng loạt các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật... thì có thể thấy rằng đây là một đòn đánh mạnh của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc.
Như vậy, để đưa được hàng hóa vào thị trường Mỹ, Trung Quốc buộc phải né, hoặc mượn thương hiệu của nước khác rồi xuất đi.
Phản ứng của Bộ thương mại Mỹ cho thấy họ đã nhìn nhận thấu đáo chiêu trò của Trung Quốc.
Đứng về phía Mỹ, họ quá hiểu trình độ, năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt. Một sản phẩm sản xuất ra có bao nhiêu phần trăm là của người Việt và bao nhiêu phần trăm sản phẩm được sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ, dựa vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ điện tử, họ đều nắm rất rõ.
Vì vậy, nếu còn tiếp tục gắn với các sản phẩm của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt sẽ phải hứng chịu hậu quả rất lớn.
Danh sách các quốc gia cảnh báo sản phẩm Trung Quốc đội lốt Việt Nam ngày càng nhiều khiến doanh nghiệp Việt khó lại càng thêm khó, thưa ông?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh:- Trước mắt, đây chỉ giống như một rào cản kỹ thuật nhằm kiểm soát những sản phẩm của Trung Quốc nhưng gắn mác thương hiệu nước khác để đưa vào Mỹ.
Về phía Việt Nam, nếu không muốn "chôn" chung một hố thì các doanh nghiệp Việt buộc phải đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ gia công, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bằng cách tăng tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất lên 70%.
Trong khi công nghệ chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc, lạc hậu, hiệu quả thấp... Với điều kiện như vậy, để tồn tại được đã rất khó, nói gì tới kỳ vọng có thể bứt lên, tạo ra được một sản phẩm chất lượng.
Ngoài ra, năng lực doanh nghiệp còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó có thể tạo ra sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh. Bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao được năng lực sản xuất, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ, tạo ra một mặt bằng sản xuất mang tầm đẳng cấp riêng. Vấn đề này có giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, phát triển công nghệ phụ trợ là rất quan trọng.
Cứ luẩn quẩn như vậy, sản phẩm Việt khó thoát khỏi thương hiệu chất lượng thấp, giá rẻ. Vì vậy, có bị "soi" ở thị trường Mỹ hay ở bất kỳ thị trường nước nào khác cũng hoàn toàn là điều dễ hiểu.
Vậy, về phía Việt Nam, ông đã thấy có động thái gì để cải thiện tình hình chưa?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh:- Tôi lại nhìn đây như là cơ hội cho Việt Nam. Trung Quốc trước đây vẫn được biết đến như một công xưởng sản xuất của thế giới. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã được coi như một đầu não, một trung tâm công nghệ của thế giới.
Thời gian qua, một nguồn lực đầu tư rất lớn đã tìm đến nước này. Tuy nhiên, khi cả thế giới đề phòng với hàng hóa Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có một sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư từ nước này chảy vào Việt Nam như một lựa chọn thay thế.
Vấn đề của Việt Nam là phải tận dụng được thời cơ, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Như vậy, sẽ có hai hướng song song để tiếp cận. Về phía doanh nghiệp phải tự cải thiện năng lực, tự trang bị cho mình được năng lực lõi.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt những chính sách gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có những chính sách thông thoáng, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Để xảy ra tình trạng trên, theo ông trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc để sản phẩm của doanh nghiệp Việt bị đánh đồng với sản phẩm Trung Quốc như thế nào? Nếu không thay đổi hệ lụy nhìn thấy là gì, thưa ông?
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh:- Nhà nước phải điều hành bằng cơ chế, chính sách. Điều quan trọng nhất là tạo được môi trường phát triển bình đẳng, công bằng, xóa bỏ cơ chế ưu ái, xin cho. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc định hướng sản xuất và bảo vệ hàng hóa Việt Nam.
Bắt đầu từ hành động kiên quyết chống hàng giả, hàng lậu, lập lên các rào cản kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kể cả nguyên liệu đầu vào.
Cách làm lỏng lẻo, buông lỏng thời gian qua đã giết chết rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Nếu không thay đổi, hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam sẽ bị đánh đồng với hàng hóa chất lượng thấp của Trung Quốc.
Ngoài nguy cơ bị phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc, chịu rủi ro ở đầu ra, doanh nghiệp Việt có thể còn phải đối diện với làn sóng tẩy chay tương tự từ thế giới. Đến khi đó, cố gắng tồn tại đã rất khó, chưa nói tới khả năng hội nhập, đứng vững được trên thương trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đất Việt