|
Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ nên chọn những trang thương mại điện tử uy tín, có thông tin rõ ràng về nhà sản xuất cũng như chính sách hậu mãi tốt để mua hàng nhằm tránh bẫy lừa online |
Theo phản hồi của nhiều bạn đọc với PV, không chỉ các trang mạng xã hội mà cả những trang thương mại điện tử có tiếng cũng xảy ra việc bán hàng kém chất lượng, hàng nhái...
Nhiều nạn nhân “ngậm bồ hòn”
Giữa tháng 4-2017, khi đọc thông tin trên một trang thương mại điện tử, chị M.P.Thùy (Q.Đống Đa, Hà Nội) thấy chương trình “xả hàng chính hãng”, trong đó tivi LED thương hiệu S có mức giảm lên tới gần 50%, nên quyết định đặt mua ngay. Sau khi được nhân viên nhà cung cấp giao sản phẩm và lắp đặt, thiết bị vận hành bình thường. Thế nhưng sau hai ngày sử dụng, tivi bắt đầu có tín hiệu nhiễu, chập chờn và bị mất tín hiệu hoàn toàn.
Điều bức xúc với chị Thùy là phải sau ba lần liên hệ và nhận được lời hẹn sẽ cử nhân viên đến sửa chữa, nhân viên của trang bán hàng online này mới đến kiểm tra thiết bị và mang đi bảo hành. Tuy nhiên sau gần nửa tháng, chị Thùy vẫn không thấy tăm hơi chiếc tivi trị giá gần 6 triệu đồng.
“Khi tôi liên hệ, bên bán hàng cho biết đã chuyển thiết bị đến bộ phận bảo hành của nhà sản xuất và lấy lý do nghỉ lễ kéo dài nên làm chậm thời gian sửa chữa và giao thiết bị” - chị Thùy bức xúc.
Tương tự, khi đến một siêu thị điện máy để tìm hiểu về máy xay thịt nhãn hiệu B, chị N.T.San (Hà Đông, Hà Nội) được nhân viên tư vấn đặt hàng qua mạng sẽ được giảm giá 20% kèm theo phụ kiện, nên chị đã đặt mua qua mạng để được hưởng khuyến mãi.
Thế nhưng chỉ sau một tháng sử dụng, chiếc máy... ngừng hoạt động và chị San được giải thích là do “sử dụng không đúng cách”, đồng thời nhân viên siêu thị này đề nghị chị đổi sang sản phẩm khác, có giá gấp đôi.
Chị M.T.Hoa (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đặt mua bộ sản phẩm chăm sóc da mặt nhãn hiệu SK II trên một trang Facebook giới thiệu bán hàng xách tay của Hàn Quốc, trị giá gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng bị dị ứng da và thấy không có hiệu quả, chị liên hệ với quản lý Facebook này để đổi một số sản phẩm chưa sử dụng, nhưng bên bán từ chối và sau nhiều lần trao đổi qua lại, chị còn bị chặn Facebook.
Cần công khai website bán hàng kém
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, cho biết cơ quan này thường xuyên tiếp nhận phản ảnh của người tiêu dùng, trên cơ sở đó yêu cầu các đơn vị rà soát, gỡ bỏ những quảng cáo vi phạm cũng như yêu cầu các chủ sở hữu website cung cấp đầy đủ và minh bạch các thông tin về quy chế hoạt động, chính sách bán hàng, quy trình giao kết hợp đồng...
“Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về thương nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử trước khi mua hàng cũng như các chính sách bán hàng, điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận, sản phẩm...” - ông Tuấn khuyến cáo.
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Tiki.vn, mua bán online đang ngày càng chứng tỏ tính ưu việt và dần thu hút người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn. Tuy nhiên tại VN, rào cản để phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử là do thiếu những “mảng ghép” quan trọng như hành lang pháp lý, đầu tư vào công nghệ, giao hàng, thanh toán, kho bãi và thậm chí là nhân sự có kinh nghiệm...
Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng khi mua sắm online chính là niềm tin, mong nhận được món hàng đảm bảo chất lượng, đúng thời gian như mong đợi. Những địa chỉ bán hàng không chất lượng, hàng nhái với giá cả “bơm vá”, dịch vụ hậu mãi không ổn định... sẽ khó tồn tại lâu dài.
Dẫn trường hợp của đơn vị mình, ông Sơn cho biết trước khi hàng hóa được đưa đến tay người tiêu dùng, 100% nhà cung cấp, thương hiệu được bày bán trên Tiki.vn đều phải đưa sản phẩm qua hệ thống kho, qua hệ thống kho riêng của Tiki để kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, in số hotline trên các phiếu biên nhận để phản ánh trong trường hợp sản phẩm có vấn đề...
Với cách làm này, ông Sơn chia sẻ đã giúp người tiêu dùng bớt phiền phức và bản thân doanh nghiệp suốt 7 năm qua không nhận được một trường hợp khiếu nại nào về việc nhận phải sản phẩm hàng giả, hàng nhái...
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nỗ lực của doanh nghiệp chưa đủ mà cơ quan quản lý cần tăng mức phạt lên cao hơn mới đủ sức răn đe những trang thương mại điện tử có hành vi bán hàng kém chất lượng.
Tại nhiều nước trên thế giới, với những trang thương mại điện tử có khách hàng phản ảnh quá 5 lần sẽ bị đóng cửa tạm thời, nặng hơn là rút giấy phép. “VN cũng cần công khai những trang nào bị người tiêu dùng phản ảnh, khiếu kiện nhiều. Ngoài khoản tiền xử phạt phải nộp, nếu vi phạm nặng hơn phải bị đóng cửa tạm thời hoặc rút giấy phép mới tạo được thị trường lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng” - một doanh nghiệp đề xuất.
10% khiếu nại liên quan mua bán trực tuyến Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tình trạng người tiêu dùng khiếu nại liên quan đến mua bán hàng kém chất lượng trên các trang mạng ngày càng gia tăng. Thực tế có khoảng 10% khiếu nại liên quan đến hoạt động mua bán trực tuyến, với các vụ việc phức tạp, với nhiều rủi ro đều thuộc về người tiêu dùng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng, mà chỉ nhìn hình ảnh qua thiết bị kết nối mạng nên khó thẩm định đúng chất lượng sản phẩm. Ông Cao Xuân Quảng, trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, cũng cho biết việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại. Trong một số trường hợp, người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khi đó phần này gồm những nội dung rất quan trọng liên quan đến đổi - trả sản phẩm, giao nhận và bảo hành,,, |
Theo TTO