Khách hàng Vietcombank sẽ ra sao với loạt điều kiện mới về bảo mật?

Thứ năm, 04/05/2017, 08:28
Quy định nghĩa vụ bảo mật của khách hàng mới của Vietcombank được cho là đẩy trách nhiệm về phía khách trong khi nhà băng khẳng định chỉ công khai cảnh báo theo thông lệ quốc tế.

Từ ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức áp dụng điều kiện và điều khoản sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử mới đối với các khách hàng cá nhân của ngân hàng này.

Quy định mới về nghĩa vụ bảo mật của khách hàng

Các dịch vụ mà ngân hàng điện tử của Vietcombank áp dụng điều kiện và điều khoản mới bao gồm dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking; dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động VCB-Mobile B@nking và Mobile Bankplus; dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn di dộng VCB-SMS B@nking; dịch vụ ngân hàng qua điện thoại cố định VCB-Phone B@nking.

Đáng chú ý, nhà băng này đã quy định tại mục 4 về “Nghĩa vụ bảo mật của khách hàng” với hàng loạt yêu cầu khách phải tuân thủ để sử dụng dịch vụ.

Cụ thể, tại mục 4.3, ngân hàng yêu cầu khách hàng đổi mật khẩu thường xuyên và khi có yêu cầu từ dịch vụ; không nên chọn mật khẩu có tính cá nhân, dễ suy đoán và đã sử dụng trước đây.

Tại mục 4.7, Vietcombank yêu cầu khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (mạng LAN) nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập.

Mục 4.8 quy định khách hàng phải đảm bảo thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng (trừ các thiết bị Vietcombank cung cấp) để kết nối với các dịch vụ không có, được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại.

Khách hàng sẽ phải chấp nhận các điều khoản và điều kiện mới của Vietcombank để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này. Ảnh minh họa: Ngô Minh.

Trong quy định và điều khoản mới của mình, Vietcombank còn yêu cầu khách hàng “cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện nếu khách hàng thiếu cẩn trọng, hoặc làm sai, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào hoặc các yêu cầu được nêu tại Mục 4”.

Đẩy trách nhiệm về phía khách hàng?

Nhiều người sử dụng và khách hàng của Vietcombank không hài lòng với quy định mới này, và cho rằng ngân hàng đang đẩy trách nhiệm về phía khách hàng khi xảy ra các sự cố.

Anh Khoa Dương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng với điều khoản này Vietcombank đang đẩy trách nhiệm về phía khách khi xảy ra các sự cố mất tiền.

“Ngày mai mình sẽ chuyển hết tiền ra khỏi các tài khoản Vietcombank. Không ngân hàng nào bắt buộc khách hàng của mình phải đảm bảo 100% những điều kiện, và phải chịu mọi trách nhiệm nếu không làm theo những điều kiện đó”, anh Dương cho biết.

Chị Thúy Quỳnh, một khách hàng khách của nhà băng này, cho rằng không khách hàng nào lại đi cung cấp thông tin bảo mật cho người khác để gây tổn thất cho mình. Ngân hàng khuyến cáo khách cẩn trọng là cần thiết, nhưng yêu cầu phải làm theo đầy đủ các quy định là vô lý.

“Nếu chấp nhận điều khoản này của Vietcombank để sử dụng dịch vụ, nhỡ sau đó xảy ra rủi ro, ngân hàng sẽ chối bỏ hết trách nhiệm, còn gọi gì là bảo vệ quyền lợi khách hàng”, chị Quỳnh nói.

Trong khi đó, chia sẻ với Zing.vn, ông Đặng Nguyên Khôi, chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật thông tin mạng, nhận định Vietcombank làm như vậy là đang đẩy trách nhiệm sang cho khách hàng.

"Với điều kiện và điều khoản mới Vietcombank sẽ áp dụng tới đây, ngân hàng có thể đánh mất vị trí của mình trong mắt khách hàng. Có thể có nhiều sự cố đã xảy ra nên nhà băng này buộc phải đưa ra chính sách không làm vui lòng khách hàng của họ", ông Khôi cho nói.

Theo chuyên gia bảo mật này, với những sự cố mất tiền do khách hàng vô tình bị đánh cắp thông tin, trách nhiệm đó thuộc về phía khách hàng, nhưng ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ những người gặp phải rủi ro này.

Ông Khôi cũng chia sẻ thêm thông thường tiền bị "hack" khi thanh toán online trong vòng 59 ngày, ngân hàng vẫn có thể lấy lại được. Đây cũng là cách làm việc của các ngân hàng nước ngoài. Nếu khách báo sớm với ngân hàng, ngân hàng hỗ trợ được thì sẽ hỗ trợ. Nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về phía khách hàng.

"Đây là bài toán của riêng Vietcombank, khách hàng nên tự học cách bảo vệ trước những rủi ro, hơn là xảy ra sự cố rồi trông chờ vào trách nhiệm từ ngân hàng", ông Khôi nói.

Một chuyên gia khác cho rằng việc yêu cầu khách hàng tuân thủ các biện pháp bảo mật thông tin là cần thiết, nhưng không ai có thể đảm bảo 100% chuyện bảo mật thông tin.

"Vietcombank có thể đưa ra khuyến cáo, cảnh báo thường xuyên cho khách hàng của mình để họ tự cảnh giác, thay vì đưa vào điều kiện, điều khoản sử dụng dịch vụ để bắt khách hàng cam kết. Bởi như vậy sẽ khiến cho khách hàng có cảm giác nhà băng đang đẩy trách nhiệm về phía mình khi xảy ra sự cố", vị này cho biết.

'Công khai những cảnh báo theo thông lệ quốc tế'

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện Vietcombank cho biết mục tiêu của ngân hàng khi đưa ra các quy định này là "công khai những cảnh báo theo thông lệ quốc tế".

Vị này lý giải theo thông lệ quốc tế mỗi sản phẩm dịch vụ ra cần phải có "hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" trong đó có những khuyến cáo cụ thể những điều cần phòng tránh.

Việc cụ thể hóa các nội dung về nghĩa vụ bảo mật như quy định mới của Vietcombank nhằm giúp khách hàng có hình dung cụ thể hơn về các hoạt động bảo mật đối với tài khoản của mình, thay vì chỉ quy định chung như trước đây.

Nhà băng cũng khẳng định luôn quan tâm cải tiến chất lượng dịch vụ và bảo mật tốt nhất để phục vụ khách hàng.

Một số ngân hàng khác đang hoạt động ở Việt Nam có điều khoản tương tự bao gồm VIB, HSBC, ANZ và Standard Chartered.

Theo Zing

Các tin cũ hơn