Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hết tháng 4/2017 lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các DN, nhà đầu tư Trung Quốc đạt hơn 900 triệu USD, tăng hơn 530 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ tăng vốn đạt trên 140%.
Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 140%
Đáng nói, mức tăng mạnh đến từ số vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của DN Việt từ các đối tác Trung Quốc. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2016, số vốn mà nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra mua cổ phần DN chỉ là 21 dự án góp mua cổ phần thì nay, con số đó đã lên hơn 256 dự án. Con số này cao hơn nhiều các đối tác Nhật Bản, Singapore và Hoa Kỳ, chỉ đứng sau đối tác lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc.
Vốn Trung Quốc đang tăng tốc vào Việt Nam (ảnh Dự án nhà máy phân đạm Ninh Bình, với thiết bị do Tổng thầu EPC Trung Quốc cung cấp) |
Về số vốn đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT cho biết, cả nước có 734 dự án FDI mới, tổng vốn là 4,9 tỷ USD, trong đó có 345 lượt dự án tăng vốn, đạt 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 %; 1.687 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với giá trị là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ 2016. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn là 7,36 tỷ USD, chiếm 69,53%. Lĩnh vực khai khoáng bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn là 1,28 tỷ USD. Lĩnh vực bán buôn, bán ô tô xe máy vươn lên vị trí thứ 3, đánh bật ngành bất động sản, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 546,68 triệu USD.
Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 4,05 tỷ USD, chiếm 38,25% tổng vốn; Nhật Bản đứng thứ hai với 1,85 tỷ USD, chiếm 17,54%; Singapore đứng vị trí thứ 3 với 1,1 tỷ USD và Trung Quốc đứng thứ 4 với hơn 900 triệu USD.
Việt Nam nằm trên đường di chuyển công nghệ cũ của Trung Quốc
Theo một báo cáo về đầu tư nước ngoài của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - VEPR), xu hướng nhà đầu tư ngoại bỏ vốn mua DN Việt ngày càng lớn, đặc biệt là có các nhân tố mới đến từ ASEAN, Trung Quốc. Điều này cho thấy thị trường mua bán DN Việt đang có nhiều cơ hội gia tăng tỷ suất lợi nhuận/vốn.
VEPR khẳng định: Các DN và nhà đầu tư ngoại đang tranh thủ thời cơ thị trường, quá trình cổ phần hóa để thâu tóm DN, lĩnh vực, ngành hàng… Tiến trình M&A của các công ty lớn, DN có thương hiệu ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, nguy cơ thâu tóm và xóa sổ thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam đang rất lớn, ví dụ điển hình là: các hệ thống bán buôn, bán lẻ như đại siêu thị Metro… tại Việt Nam đã bị thay tên, đổi họ khi bị DN Thái Lan mua lại chỉ thời gian ngắn.
Với vốn của Trung Quốc, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Trung Quốc đang trong quá trình cải cách nền kinh tế chuyển từ mô hình kinh tế thâm dụng lao động, vốn và tài nguyên sang nền kinh tế có giá trị gia tăng cao. Để đạt được mục tiêu này, họ từng bước chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư.
Để hỗ trợ quá trình này, Chính phủ Trung Quốc ủng hộ các DN đem tiền, máy móc cũ đi đầu tư ở những ngành như may mặc, sắt thép, thủy điện, khai khoáng và sản xuất điện tử tiêu dùng thông qua cơ chế vay vốn của một số ngân hàng hoặc thông qua cơ chế vốn ODA.
“Việt Nam, các nước ASEAN, Nam Á và châu Phi là những điểm đến của các tập đoàn, DN Trung Quốc khi quyết định đầu tư và chuyển giao các công nghệ cũ của mình. Và hầu hết các ngành, lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc hiện nay có rủi ro môi trường cao, gây ô nhiễm nguồn nước, chi phí đầu tư cho bảo vệ môi trường/suất đầu tư rất thấp”, TS Thành nói.
Hiện nay, ngoài vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, hai vùng lãnh thổ Đài Loan và Hồng Kông cũng đang có số vốn đầu tư vào Việt Nam rất lớn; trong đó chủ yếu là các ngành may mặc, thiết bị điện tử, chế biến gang thép và thâu tóm một số DN khi lên sàn với giá cao để tìm hiểu thị trường, thăm dò môi trường đầu tư.
Theo Dân Trí