|
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ). |
Kết quả xử lý ở PVN: "Tôi cho là thỏa đáng"
Như PV đã đưa tin, chiều 27/4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo nội dung kỳ họp thứ 14 diễn ra từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Theo đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xử lý trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số lãnh đạo cũ của PVN như: ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN từ 2009-2011; ông Phùng Đình Thực - nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ 2008-2010; ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010-2015; ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV 2010- 2015…
Các sai phạm được chỉ ra liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); đầu tư loạt nhà máy nhiên liệu sinh học; dự án Nhiệt điện Thái Bình 2; nhà máy xơ sợi Đình Vũ hay góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) đánh giá: "Tôi thấy đây là một kết luận đúng đắn, khách quan, rõ ràng. Hay là nói theo phương châm hành động của UBKTTƯ là các đồng chí đã có một kết luận công minh, chính xác. Tôi cũng cho rằng, kết luận và những hình thức xử lý của UBKTTƯ là thỏa đáng".
"UBKTTƯ đã vào cuộc và làm việc với trách nhiệm cao nên đi tới một kết luận bằng văn bản cụ thể, rõ ràng, xác đáng và cũng đề nghị hình thức xử lý. Cái gì trong thẩm quyền UBKTTƯ thì Uỷ ban đã thực hiện, cái gì không trong thẩm quyền thì Uỷ ban đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý tiếp. Đặc biệt ở đây, bước tiến lớn là đã công khai chứ không có hạn chế về thông tin", ông cho biết.
"Để xảy ra sai phạm, có sung sướng gì!"
Bình luận về hướng xử lý đối với sai phạm khi để xảy ra tình trạng đầu tư thua lỗ nói chung, ông Vũ Quốc Hùng nói: "Quản lý tài sản của nhân dân như thế là một điều đáng lên án, đáng buồn phiền. Đây mới chỉ là công khai riêng lĩnh vực dầu khí thôi chứ còn một số dự án khác đã được chỉ tên đang cần làm rõ, thậm chí dưới ánh sáng của pháp luật chứ không chỉ dừng lại ở thanh kiểm tra nữa".
Trả lời câu hỏi đối với những vi phạm, hình thức xử lý như thế nào và xử lý đến mức nào thì phù hợp, ông Hùng cho rằng, hiện các vụ việc được công khai và mọi người có ý kiến trái chiều, thậm chí cho rằng "chưa thỏa đáng" là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng, cần phải đặt niềm tin ở cơ quan chức năng.
"Khi xét xử thì án tại hồ sơ. Trong Đảng thì phải theo kết quả thẩm tra, xác minh, không để oan sai, không để nhẹ và không để quá nặng. Chúng ta phải đặt niềm tin và phải hiểu có những cái cần thực hiện từng bước một vì cần có quá trình thẩm tra, xác minh và quá trình nhận thức. Trước mắt về nội bộ Đảng thì xử lý cho hết những quy định trong điều lệ Đảng; sau đó thì các cơ quan nhà nước cùng xem xét, trong quá trình xem xét sâu thì ngoài thẩm tra, xác minh, kiểm tra thanh tra rồi đạt kết quả thì phải điều tra nữa, tức là cơ quan tư pháp phải vào cuộc. Nếu điều tra thấy vi phạm đến mức vi phạm pháp luật thì sẽ xử lý", ông nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc quản lý tài sản nhà nước yếu kém không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế mà còn tổn thất về cán bộ.
"Như các vụ việc xảy ra tại Vinashin, Vinalines hay một loạt ngân hàng đã mang ra xử lý và đưa một số người vào vòng lao lý, thế tức là chúng ta mất người, mất cán bộ trước rồi mới đến mất niềm tin của Đảng viên, của nhân dân. Còn trong vụ việc lần này, một loạt cán bộ của PVN bị xử lý, có sung sướng gì đâu", ông Hùng nói.
Giám sát quyền lực để cán bộ "không rơi xuống vực thẳm"
Ông Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của quản lý, giám sát của công tác thanh tra và kiểm tra cũng như trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm.
"Đáng buồn là người giao trọng trách để sai lầm nhưng đáng buồn hơn là cơ chế giám sát, mà ở đây là giám sát quyền lực. Không thể để ai tự tung tự tác được. Có những người sử dụng quyền lực do ngộ nhận, kém cỏi nhận thức nhưng cũng có người do lộng quyền, lạm quyền. Thế thì phải có những nơi đánh kẻng, công tác giám sát và kiểm tra thanh tra giám sát phải kịp thời", ông nhấn mạnh.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trong tài liệu của Đảng đã nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là một bộ phận của quản lý chứ không chỉ là công cụ của Thanh tra Chính phủ hay Uỷ ban Kiểm tra các cấp. Do đó, chính người đứng đầu chính quyền phải kiểm tra, giám sát bởi không có kiểm tra, giám sát thì không có chính quyền lãnh đạo.
"Tôi rất đau buồn vì công tác kiểm tra giám sát còn yếu. Vì sao lại yếu? Chúng ta phải suy nghĩ về cơ chế, cơ cấu, về chuyện có tâm lý nể nang không, có chỗ nào bị mua chuộc không, có đùn đẩy cho nhau không? Đồng thời, phải xem xét lại toàn bộ bộ máy vận hành, bộ máy lãnh đạo của chúng ta để không ai lộng quyền, lạm quyền cả. Việc làm đó để không mất cán bộ, để cứu cán bộ, không phải để bao che mà là để cán bộ không bị rơi xuống vực thẳm", ông nói thêm.
Theo Dân Trí