THAAD đến Hàn Quốc: Kiểu bán vũ khí mới của Mỹ

Thứ bảy, 29/04/2017, 13:40
Tổng thống Donald Trump vừa khiến Hàn Quốc chết lặng với tuyên bố yêu cầu Seoul chi trả Mỹ 1 tỷ USD cho việc triển khai hệ thống THAAD.

Tuyên bố bất ngờ của Hàn Quốc

Hãng tin Reuters ngày 27/4 dẫn tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Hàn Quốc phải trả chi phí cho việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Khoản tiền cụ thể theo ông Trump lên tới 1 tỷ USD. "Tôi đã thông báo với Hàn Quốc rằng, sẽ hợp lý hơn nếu họ trả tiền, đó là hệ thống trị giá hàng tỷ USD", thông tấn Anh dẫn lời Tổng thống Trump.

Thông điệp bất ngờ được người đứng đầu Nhà trắn đưa ra khi các phần chính của THAAD, bao gồm radar X và thiết bị di động cao cấp, được chuyển đến địa điểm triển khai ở phía Nam huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc hôm 26/4.

Dân Hàn Quốc biểu tình phản đối hệ thống THAAD.

Việc triển khai này được thực hiện sớm hơn so với kế hoạch trước đó được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố khi ông này có chuyến thăm Seoul hồi giữa tháng 4 - thời điểm Triều Tiên phóng thất bại tên lửa đạn đạo vào dịp kỷ niệm 105 ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, phản ứng từ Hàn Quốc đã không như mong muốn của ông Trump khi ông Kim Ki-jung, một cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Nhà Xanh cho rằng đề xuất Hàn Quốc phải trả cho THAAD là không thể thực hiện.

Nhà chính trị Hàn Quốc đưa ra hai lý do. Thứ nhất, "ngay cả khi chúng tôi mua THAAD, hoạt động chính của nó vẫn nằm trong tay của Mỹ". Thứ hai, khoản chi phí để mua THAAD có thể bị coi là phạm luật của Hàn Quốc. Vì vậy, Hàn Quốc không thể thanh toán khoản tiền như tuyên bố của ông Trump.

Cách bán hàng mới

Việc Tổng thống Trump yêu cầu Hàn Quốc trả tiền cho việc lắp đặt THAAD khi vũ khí này đã gần như hoàn thành khâu triển khai khiến nhiều người nhớ lại trường hợp của Ukraine trước đây. Bởi cũng giống như Hàn Quốc, sau khi nhận được hàng loạt thiết bị quân sự miễn phí, Ukraine đã bắt đầu phải móc hầu bao nếu muốn dùng hàng có nguồn gốc từ Mỹ.

Hãng Sputnik hồi cuối năm 2016 dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cho biết, nước này đã bàn giao 72 chiếc máy bay trinh sát không người lái theo thỏa thuận có trị giá trên 12 triệu USD cho Ukraine.

"24 hệ thống máy bay không người lái RQ-11B Raven (bao gồm 72 chiếc máy bay không người lái và trang thiết bị kèm theo) đã được đưa tới sân bay quốc tế Boryspil hôm 27/7", Đại sứ quán Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí.

Theo thông cáo báo chí này, các hệ thống máy bay không người lái được bàn giao cho Ukraine sẽ được sử dụng để truyền những hình ảnh, video trực tiếp... tới các trạm điều khiển mặt đất.

Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm: "Các máy bay này có thể cung cấp thông tin tình báo trên không cả ngày lẫn đêm và giúp các nhân viên vận hành định vị, nhận biết địa hình và ghi lại thông tin để phân tích".

Ngoài gói UAV, Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt còn cho biết, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, cụ thể là gói thỏa thuận phải chăng có trị giá 335 triệu USD để tài trợ cho "hoạt động cố vấn, các chương trình đào tạo và viện trợ quân sự phi sát thương".

Như vậy, với tuyên bố của Tổng thống Trump, Mỹ muốn biến Hàn Quốc thành khách hàng bất đắc dĩ. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện bởi Hàn Quốc đã thẳng thắn từ chối yêu cầu phía Mỹ đưa ra.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn