Xử lý Đạm Ninh Bình “kẹt cứng” vì hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc

Thứ sáu, 28/04/2017, 16:09
Được giao phải trình hồ sơ quyết toán trong quý I/2017, tuy nhiên cho đến nay, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đạm Ninh Bình đã phải nhận khuyết điểm và xin hoãn đến cuối quý II do vẫn còn vướng mắc tới 10 vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc).

Một báo cáo được ông Chu Văn Tuấn – Giám đốc Ban quản lý dự án (Ban QLDA) nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ký trình lãnh đạo Chính phủ cho biết, đến nay, tại dự án này vẫn còn tới 10 vấn đề tồn tại chưa được tổ đàm phán của Ban QLDA và nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc ) thống nhất giải quyết.

Trước đó, hồi cuối năm 2016, văn bản báo cáo tổng hợp của Ban QLDA này cũng đã chỉ ra 15 tồn tại của hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu.

Đối tác Trung Quốc không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng EPC khiến công tác quyết toán dự án đạm Ninh Bình gặp khó khăn lớn.

Đối tác Trung Quốc vi phạm hàng loạt điều khoản hợp đồng EPC

Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là lượng than tiêu hao cho quá trình chạy máy mà chủ đầu tư cấp cho nhà thầu đến hết ngày 22/9/2012 (ngày kết thúc chạy nghiệm thu 72h lần 1) đã được hai bên thống nhất là hơn 372 nghìn tấn, cao hơn lượng than theo hợp đồng EPC trên 251 nghìn tấn.

Theo tính toán của Ban QLDA, chi phí cho 251 nghìn tấn than chạy thử vượt hợp đồng trên là hơn 558,5 tỷ đồng. Về chi phí chạy thử nghiệm lần 2 bao gồm chi phí than và hóa chất của chủ đầu tư là hơn 20,3 tỷ đồng. Ban QLDA cho biết, những khoản chi phí này đều thuộc trách nhiệm phía nhà thầu Trung Quốc theo điều kiện riêng của hợp đồng EPC.

Vấn đề vướng mắc thứ hai là chậm tiến độ thực hiện dự án theo hợp đồng. Thời gian hoàn thành công trình quy định trong hợp đồng EPC trong vòng 42 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực bao gồm cả 3 tháng trợ giúp vận hành.

Như vậy, tính từ ngày 30/4/2008 là ngày hợp đồng EPC có hiệu lực thì đến ngày 30/10/2011 là 42 tháng phải hoàn thành công trình. Tuy nhiên, theo thực tế thực hiện hợp đồng, hai bên thống nhất xác định mốc thời gian hoàn thành công trình là 23/12/2012, thời gian chậm tiến độ là 420 ngày tương ứng 60 tuần.

Mặc dù nhà thầu đã đưa ra nhiều nguyên nhân, song chủ đầu tư chỉ chấp thuận 47 ngày chậm tiến độ là không do lỗi của nhà thầu. Thời gian chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu là 373 ngày.

Vấn đề vướng mắc thứ ba, trong tổng số 16 tuyến đường nội bộ được chủ đầu tư phê duyệt thiết kế thi công thì nhà thầu đã thi công 14 tuyến đường trước khi thiết kế thi công được phê duyệt để chuyển thiết bị máy móc thi công xây dựng nhà máy. So với thiết kế được phê duyệt có các sai khác gồm thiếu chiều cao cốt nền, thiếu chiều dày các lớp, thiếu kết quả thí nghiệm modul đàn hồi. Chỉ có 2 tuyến được nhà thầu thi công sau là đúng với thiết kế được phê duyệt và đã được các bên chấp thuận nghiệm thu.

Các tuyến đường này hiện nay chủ đầu tư vẫn đang sử dụng, nhà thầu đề nghị nghiệm thu thanh toán. Song chủ đầu tư không chấp nhận và đề nghị không nghiệm thu, thanh toán 14 tuyến đường nội bộ do thi công trước khi thiết kế thi công được phê duyệt (giá trị hơn 8 triệu Nhân dân tệ và gần 41 tỷ đồng sẽ được giảm trừ giá trị hợp đồng).

7 lần gửi văn bản cho nhà thầu yêu cầu quyết toán bất thành

Một vướng mắc khác được nêu ra, đó là đến thời điểm 20/12/2016, chủ đầu tư đã thanh toán gần 464 triệu USD cho nhà thầu EPC, còn lại gần 49 triệu USD. Trong quá trình thực hiện dự án, do vấn đề nguồn vốn nên có việc chậm thanh toán cho nhà thầu, chủ đầu tư chấp nhận chịu phạt theo quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thầu yêu cầu phải tính phạt cho 27 mã hóa đơn đã gửi Ban QLDA mà hai bên đã kiểm tra xác nhận không đủ điều kiện thanh toán, cần chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện.

Đối chiếu với các hồ sơ đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền phải trả cho phần thanh toán chậm của chủ đầu tư đến trước 23/12/2012 là 84 nghìn USD, gần 3 nghìn EUR, 4 triệu Nhân dân tệ và 138 triệu đồng.

Nhà thầu đề nghị chủ đầu tư thanh toán tiếp tuy nhiên chủ đầu tư yêu cầu phải giải quyết dứt điểm các tồn tại, tính toán số tiền còn lại mới xem xét để thanh toán.

Đáng chú ý, trong vấn đề quyết toán máy móc, thiết bị, vật tư (TBVT) nhập khẩu theo hợp đồng, sau khi hai bên rà soát lại danh mục đã xác định khối lượng TBVT chưa kê khai hải quan có giá trị 49,2 triệu USD. Ban QLDA đã 7 lần có văn bản đề nghị nhà thầu thực hiện quyết toán TBVT nhập khẩu của dự án, nhưng nhà thầu không thực hiện.

Tại thời điểm nhập khẩu hàng hóa để lắp đặt cho dự án, thì TBVT nhập khẩu này không thuộc diện chịu thuế nhập khẩu và được hoàn thuế GTGT. Nhưng từ 1/1/2015, theo luật, số hàng hóa này lại không được hoàn thuế GTGT, gây khó khăn cho việc xử lý kê khai bổ sung. Vinachem đang đề nghị cho phép quyết toán giá trị TBVT đã nghiệm thu thực tế tại công trình nhưng chưa khai bổ sung hải quan; được phép kê khai bổ sung 49,2 triệu USD TBVT nói trên và được hoàn thuế GTGT để không làm tăng chi phí đầu tư.

Theo Ban QLDA, trách nhiệm của những thiếu sót này chủ yếu thuộc về nhà thầu và các phát sinh, tổn thất, thiệt hại sẽ phải được nhà thầu bồi thường cho chủ đầu tư theo hợp đồng EPC.

Ngoài ra, còn có một loạt các vướng mắc khác mà hai bên tới nay vẫn chưa thống nhất được liên quan đến thay đổi thiết kế xây dựng, quan trắc lún công trình, ban giao hồ sơ hoàn công, hoàn thành báo cáo quyết toán hợp đồng (quyết toán AB của nhà thầu). Chưa kể, hiện phía nhà thầu cho biết không có khả năng thanh toán cho bất cứ nhà thầu phụ nào do chưa nhận được khoản lớn tiền thanh toán tiến độ.

Báo cáo của Ban QLDA trình lãnh đạo Chính phủ cho hay, đến 28/3/2017, Ban QLDA đã hoàn thành khối lượng lớn hồ sơ nghiệm thu dự án hoàn thành theo quy định là 3.825 quyển hồ sơ. Do dự án có khối lượng hồ sơ lớn, phức tạp, chứng từ thanh toán cho từng thiết bị hoặc hạng mục chia làm nhiều lần, nhiều nguồn vốn, nhà thầu EPC lại không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng EPC nên khó khăn đối với công tác quyết toán hợp đồng EPC là “vô cùng lớn”.

Trong khi đó, thời điểm nhận nhiệm vụ được giao vào tháng 2/2017, Ban QLDA chỉ có tổng cộng 6 nhân sự gồm 5 cán bộ chuyên trách và 1 cán bộ kiêm nhiệm (trong đó 1 cán bộ văn thư hành chính đang nghỉ sinh). Đến 20/3/2017 thì 1 cán bộ tài chính chủ lực từ đầu triển khai dự án thôi hợp đồng.

Đưa ra hàng loạt những lý do chủ quan lẫn khách quan nói trên, Ban QLDA cho biết, đó là lý do khiến thời gian qua chưa hoàn thành đúng tiến độ được tập đoàn giao là trình hồ sơ quyết toán trong quý I/2017. Ông Chu Văn Tuấn cho biết, bản thân đã nhận khuyết điểm trước lãnh đạo tập đoàn và cam kết quyết liệt tổ chức thực hiện để hoàn thành hồ sơ quyết toán có kiểm toán trước 30/6 tới.

Theo Dân Trí 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích