Đạm Ninh Bình vẫn còn nhiều vướng mắc với nhà thầu Trung Quốc

Thứ hai, 17/04/2017, 13:16
Báo cáo mới nhất từ Đạm Ninh Bình cho thấy, sau khi đàm phán với nhà thầu Trung Quốc, hai bên đã thống nhất được 5 nội dung nhưng vẫn còn 10 nội dung quan trọng chưa có kết quả đàm phán cuối cùng.

Tổng thầu EPC thực hiện dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).

Ban Quản lý dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa có báo cáo thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về phương án xử lý những tồn tại với nhà thầu EPC.

Theo báo cáo, Tập đoàn đã chấp thuận kết quả của tổ đàm phán để làm quyết toán, thanh lý hợp đồng một số nội dung. Cụ thể, về mốc thời gian hoàn thành công trình được thống nhất là ngày 23/12/2012 để xác định trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện hợp đồng; thời điểm kết thúc bảo hành công trình được tính 1 năm sau đó, từ năm 2013.

Về bồi thường thông số đảm bảo, trong tổng số 46 thông số, có 5 thông số không đạt giá trị đảm bảo nhưng nằm trong khoản được tính bồi thường thiệt hại với giá trị 1,6 triệu USD. Giá trị này sẽ được khấu trừ vào giá trị thanh quyết toán hợp đồng

Hai bên cũng thống nhất nội dung: về xử lý các vấn đề tồn tại xây lắp với tổng giá trị dự toán khắc phục hơn 1,3 triệu USD và 41,5 tỷ đồng; thay đổi so với thiết kế sơ bộ do trong quá trình thực hiện, không có nhu cầu sử dụng hệ thống thu hồi dầu nên nhà thầu đã không thực hiện hạng mục này. Nhà thầu cũng thống nhất chủ đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm theo hợp đồng EPC.

Tuy nhiên, 2 bên vẫn chưa thống nhất được 10 nội dung quan trọng.

Với vướng mắc về than cho chạy thử và chi phí chạy thử lần 2, chủ đầu tư vẫn tiếp tục yêu cầu nhà thầu chịu toàn bộ chi phí chạy thử nhưng nhà thầu không chấp nhận. Trước đó, phía nhà thầu từng đề xuất chịu 190 tỷ đồng tiền than vượt và không yêu cầu thanh toán cho 1 hạng mục 14 tuyến đường nội bộ không nghiệm thu.

Đáng lưu ý, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực tới ngày bàn giao, chậm 60 tuần so với tiến độ nhưng nhà thầu vẫn giữ quan điểm cho rằng việc chậm tiến độ là do các nguyên nhân khách quan khác nữa. Các nguyên nhân này không được phía chủ đầu tư chấp nhận.

Theo văn bản mới nhất này, chủ đầu tư chỉ chấp thuận cho nhà thầu chậm tiến độ 47 ngày không do lỗi nhà thầu. Thời gian chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu được tính 373 ngày.

Về vấn đề thanh toán, phạt chậm thanh toán, đến thời điểm ngày 20/12/2016, chủ đầu tư đã thanh toán hơn 463,9 triệu USD, còn lại 48,8 triệu USD. Trong quá trình thực hiện dự án, do vấn đề nguồn vốn nên có việc chậm thanh toán cho nhà thầu. Chủ đầu tư chấp nhận chịu phạt chậm thanh toán với số tiền đã được thống nhất tuy nhiên nhà thầu yêu cầu phải tính phạt thêm cả các mã hoá đơn hai bên đã kiểm tra xác nhận không đủ điều kiện thanh toán, cần bổ sung hoàn thiện.

“Nhà thầu đề nghị chủ đầu tư thanh toán tiếp cho nhà thầu tuy nhiên chủ đầu tư yêu cầu giải quyết dứt điểm các tồn tại, tính toán số tiền còn lại của nhà thầu thì mới xem xét để thanh toán”, báo cáo cho hay.

Ngoài ra, các nội dung về thay đổi thiết kế xây dựng, quan trắc lún công trình, bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc, quyết toán máy móc và trang thiết bị nhập khẩu, các tồn tại với địa phương, báo cáo quyết toán hợp đồng cũng được hai bên chưa thống nhất.

Về cơ bản, 10 nội dung chưa được thống nhất với nhà thầu Trung Quốc vẫn giữ nguyên như báo cáo của Đạm Ninh Bình hồi tháng 1 năm nay. Trước đó, hai bên đã có tới gần 20 phiên đàm phán để giải quyết những vướng mắc này.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng.

Nhà máy Đạm Ninh Bình vốn là một công trình trọng điểm của ngành hóa chất Việt Nam. Dự án do Vinachem đầu tư, có tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn ure/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình). Tổng thầu EPC thực hiện dự án là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).

Trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương cho thấy nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án này với nhà thầu Trung Quốc. Cụ thể, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Qua nhiều lần đàm phán chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được giá trị và trách nhiệm của mỗi bên đối với lượng than chạy thử cấp vượt. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử. Đây được cho là một trong số các nguyên nhân của việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC.

Qua thanh tra, Bộ Công Thương cũng cho biết, nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký là 420 ngày. Điều này làm phát sinh chi phí, riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian Hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng. Đến nay chủ đầu tư và nhà thầu đã tiến hành đàm phán qua nhiều phiên nhưng việc xác định giá trị phạt chậm tiến độ theo quy định của hợp đồng EPC chưa được hai bên thống nhất.

Đáng chú ý là chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời nguyên trạng nhà máy từ nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và hợp đồng EPC đã ký. Dây chuyền thiết bị hoạt động chưa ổn định, số ngày chạy máy và công suất không đạt theo báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 4 năm vận hành thương mại nhưng chủ đầu tư và nhà thầu chưa tiến hành ký nghiệm thu bàn giao dự án chính thức và vẫn đang trong quá trình tiếp tục đàm phán để xử lý các tồn tại của dự án. Chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được trách nhiệm của mỗi bên đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng nên dự án chưa được quyết toán.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn