Doanh nghiệp Nhật đề xuất xây nhà máy điện than tại Dung Quất

Thứ bảy, 15/04/2017, 08:52
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Công ty Phát triển điện lực J – Power (Nhật Bản) đã đề xuất thực hiện dự án phát triển nhiệt điện tại Khu kinh tế Dung Quất với công suất lên tới 4.400 MW, bằng 1/3 tổng công suất hiện tại của 20 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động trên cả nước.

Cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110MW.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi,​ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Jahana Takashi, Giám đốc Ban kinh Doanh Phát triển điện quốc tế của J - Power cho biết, qua một thời gian khảo sát sơ bộ, Công ty mong muốn tỉnh Quảng Ngãi cho phép thực hiện các cuộc khảo sát, nghiên cứu để lập Báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Khu kinh tế Dung Quất.​

Dự án sẽ triển khai 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, công ty đầu tư xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn, với công suất lên đến 2.400 MW, thời gian vận hành thương mại dự kiến 2028. Giai đoạn 2, xây dựng nhà máy sử dụng công nghệ chu trình hỗn hợp khí hóa than phát điện (IGCC), với công suất lắp máy 2.000 MW; thời gian vận hành thương mại từ năm 2030.

Nguồn than dự kiến sẽ được nhà đầu tư nhập khẩu từ các nước như: Úc, Nga, Indonesia... hoặc nguồn trong nước.

Vốn đầu tư chưa được nhà đầu tư tiết lộ, tuy nhiên, với công suất lên tới 4.400 MW, dự kiến vốn đầu tư cho dự án này có thể lên tới hàng tỷ USD. Hiện tại Việt Nam, một số nhà máy nhiệt điện như Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng; Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải được xây dựng tại tỉnh Trà Vinh có tổng công suất thiết kế khoảng 4.200MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD hay như một trung tâm điện lực đang được xem xét đầu tư tại huyện Cần Giờ công suất 2.800 - 3.600 MW cũng có vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD.

Theo lý giải của phía J - Power, Khu kinh tế Dung Quất có cảng biển nước sâu, đáp ứng cho tàu chở than tải trọng lớn, phù hợp để xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Phía công ty này cũng cam kết sẽ áp dụng tất cả các biện pháp tối ưu nhất để bảo vệ môi trường khi triển khai các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tại địa điểm xây dựng, bao gồm cả các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, khói, bụi, tiếng ồn.

Về đề xuất của nhà đầu tư Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng khẳng định, Quảng Ngãi luôn tạo điều kiện và sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư để thực hiện này trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Trước khi chấp thuận cho công ty khảo sát, nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Công ty cần nêu rõ diện tích sử dụng đất, ranh giới thực hiện dự án; tổng vốn đầu tư; số lượng lao động phục vụ nhà máy và cam kết về bảo vệ môi trường, cũng như có giải pháp tối ưu về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, khói, bụi, tiếng ồn…

Theo một báo cáo từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than là 24.370MW.

Tại Việt Nam, nhiệt điện than bắt đầu tăng trưởng từ sau năm 2000, khi Phả Lại 2 đi vào sản xuất. Ưu điểm của nhiệt điện than cho giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent Mỹ/kWh), vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thừa nhận, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện). Bên cạnh đó, các chất thải ra môi trường của nhiệt điện đốt than cũng rất lớn đòi hỏi chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém.

Hồi năm ngoái, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) từng kiến nghị Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Theo Dân Trí 

Các tin cũ hơn