Nép mình cuối đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM, cửa hàng Nhị Sơn với biển hiệu táo khuyết vẫn đều đặn khách ra vào. Chủ cửa hàng - anh Sơn - vẫn đang nghe ngóng từ khi có tin Apple đòi tháo dỡ biển hiệu các cửa hàng xách tay. Anh này vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ đại diện pháp lý của Apple.
"Nếu họ yêu cầu thì mình gỡ", chủ cửa hàng nói. Địa chỉ này bán iPhone từ ngày đầu thành lập, nhóm kinh doanh chính của họ chủ yếu là xách tay. "Khách hàng đã quen, nên có tháo biển hiệu thì họ vẫn tìm đến".
Giới buôn lẻ di động Việt Nam điêu đứng khi Apple đòi gỡ bảng hiệu liên quan đến bản quyền hình ảnh. |
Cách đó vài chục mét, chủ cửa hàng Ngọc Huy phản ứng gay gắt trước yêu cầu của Apple. Anh cho biết các hãng khác phải trả tiền quảng cáo để treo bảng hiệu, trong khi các cửa hàng ở Việt Nam đều làm miễn phí cho Apple. Nói với Zing.vn, anh Huy chia sẻ: "Bán iPhone mà không cho treo bảng hiệu thì ai biết đến mà mua".
Những cửa hàng nhỏ lẻ, chưa nhận được thông báo chính thức cho biết họ vẫn sẽ treo bảng hiệu của Apple. "Cách đây 3, 4 năm cũng đã có một lần dọn dẹp như thế này nhưng chúng tôi vẫn treo bảng hiệu tới giờ". Anh Hoàng Sang, chủ cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM cho biết sẽ không gỡ khi chưa nhận được yêu cầu trực tiếp của hãng.
Mặc dù phản ứng quyết liệt trước yêu cầu về bản quyền của Apple, tuy nhiên đa số các cửa hàng này vẫn đồng ý gỡ bỏ hình ảnh liên quan đến thương hiệu khi nhận được thông báo chính thức của Apple.
Chủ cửa hàng Ngọc Huy cho biết: "Những bảng hiệu quảng cáo đến công chúng có liên quan đến pháp lý chúng tôi sẽ tháo bỏ nếu được yêu cầu". Tuy nhiên, những trang trí bên trong cửa hàng thì hãng không thể can thiệp.
Nếu Apple không cho sử dụng hình ảnh nhận diện, cửa hàng sẽ tháo bỏ theo yêu cầu. Anh Huy cho rằng việc đòi tháo dỡ bảng hiệu này là vô lý. Nếu muốn Apple nên "dọn dẹp" những vi phạm bản quyền trên mạng trước. Đứng trên phương diện của cửa hàng, họ đang phân phối sản phẩm cho Apple theo nhu cầu của người dùng chứ không hề làm ảnh hưởng đến hãng.
Các chính sách mới của Apple đang bóp chết các cửa hàng di động nhỏ lẻ. |
"Bây giờ cứ 10 người đến thì có đến 8 người mua iPhone. Cửa hàng cũng bán di động của Apple là chủ yếu". Chính sách mới của Apple về bản quyền thương hiệu, chế độ bảo hành sẽ bóp chết các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam.
Theo nhiều chủ hàng, có thể về lâu dài việc "dọn dẹp" của Apple sẽ khiến thị trường đi về một mối thống nhất. Nhưng trước mắt, động thái này sẽ làm mất đi tính phong phú. Người dùng cũng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua hàng chính hãng.
"Nói cách khác, Apple đang muốn tạo thế độc quyền, ép người dùng mua hàng chính hãng", một chủ cửa hàng trên đường Trần Quang Diệu chia sẻ. Khi đó Apple sẽ là chủ cuộc chơi về giá, chính sách hậu mãi, dịch vụ. Rất khó để đảm bảo lợi ích cuối cùng là thuộc về người dùng.
Hơn 10 năm trong nghề buôn điện thoại, anh Sơn cho biết cửa hàng của anh vẫn sống ổn. Theo thời thế mà thay đổi, túc tắc cũng cả chục năm nay. Tuy nhiên chưa khi nào, kinh doanh lại khó khăn như thời điểm này.
Nguồn thu chính của các cửa hàng chủ yếu từ iPhone cũ và iPhone xách tay. Việc tháo bảng hiệu sẽ đe doạ trực tiếp đến "chén cơm" của các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam.
Những người lạc quan cho rằng thị trường vẫn còn những ngách nhỏ cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, phần đông tỏ ra hoang mang trước những thay đổi đột ngột của thị trường.
iPhone từng là nguồn sống của nhiều cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. |
Trước đây họ đã từng một phen điêu đứng trước sự bùng nổ của mạng xã hội. Bán hàng online đã khiến các cửa hàng bán lẻ phải chuyển sang sửa chữa và buôn bán điện thoại cũ để tồn tại.
Lợi thế của hàng xách tay là giá, cùng một phiên bản, cùng màu sắc, dung lượng bộ nhớ nhưng hàng xách tay luôn có giá rẻ hơn vài triệu so với hàng chính hãng. Người dùng vẫn chấp nhận những rủi ro và tìm đến các cửa hàng xách tay.
Ở Việt Nam, iPhone xách tay vẫn là cái gai trong mắt các ông lớn bán lẻ. Theo đại diện Thế Giới Di Động, tùy vào thời điểm nhưng thông thường, iPhone xách tay chiếm 52% trong khi hàng chính hãng ở mức 48%.
Các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam đang rơi vào thế "thập diện mai phục", lành ít dữ nhiều. |
"iPhone xách tay có đến 5, 7 loại. Chuyện lừa bán iPhone nhái, hàng dựng, xuất xứ mập mờ đang là vấn nạn mà người dùng phổ thông phải đối mặt". Một chuyên gia giấu tên trong ngành bán lẻ cho rằng đã đến lúc Apple mạnh tay, làm sạch thị trường. Những động thái gần đây của Apple cho thấy hãng không còn bỏ mặc người dùng như trước đây. Thị trường xách tay sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới.
Những người buôn bán điện thoại lâu năm nhận định, động thái của Apple đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cửa hàng bán lẻ, phá vỡ sự phong phú của thị trường. Các đại lý chính hãng sẽ hưởng lợi nhưng cửa hàng nhỏ sẽ gặp nhiều rủi ro.
Chính sách mới của Apple đang dồn các cửa hàng nhỏ lẻ vào chân tường. "Chúng tôi phải đối mặt với muôn trùng khó khăn. Một mặt phải cạnh tranh với hàng chính hãng, các đại lý phân phối lớn. Mặt khác phải đối mặt với hàng online. Giờ là màn 'thanh trừng' từ Apple". Hồi chuông báo hiệu dấu chấm hết của các cửa hàng xách tay tại Việt Nam đã đến rất gần.
Trước đó, đại diện pháp lý của Apple đã chính thức gửi đi "Thư thông báo và khuyến cáo" đến các cửa hàng sử dụng bản quyền hình ảnh nhận diện thương hiệu của "táo khuyết" ở Việt Nam.
Theo Zing