|
Sau nhiều lần bị từ chối, đến nay Uber đã được Bộ GTVT chấp thuận Đề án thí điểm vận tải. |
Trao đổi với PV, đại diện Bộ GTVT cho biết, đã có nhiều lần đối thoại trực tiếp và trao đổi thông tin bằng văn bản về các vấn đề thủ tục của Uber, cũng như những lý do nhiều lần Uber bị “trả lại” hồ sơ.
“Đến nay Uber đã bổ sung và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật theo yêu cầu của Bộ GTVT. Uber Việt Nam cũng cần được sự chấp thuận của các địa phương khi đăng ký hoạt động” - đại diện Bộ GTVT thông tin.
Trước đó, Uber từng 2 lần gửi Đề án lên Bộ GTVT nhưng đều bị Bộ này trả lại, trong khi một “đối thủ” của Grab lại “xuôi chèo mát mái” về việc triển khai thí điểm các ứng dụng tại 5 tỉnh và thành phố trên cả nước vì được Bộ GTVT chấp thuận ngay từ đầu.
Bộ GTVT khẳng định chưa chấp thuận Đề án của Uber và đề nghị Uber bổ sung các giấy phép và làm rõ các nghĩa vụ, trách nhiệm của Uber trước pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber Việt Nam chỉ bao gồm hoạt động tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.
Cùng đó, nếu xây dựng và thực hiện đề án thí điểm này, Uber Việt Nam cần đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam. Uber Việt Nam cũng phải bổ sung nội dung mô tả và phân tích chi tiết nội dung, quy trình giao kết hợp đồng vận tải qua ứng dụng Uber.
“Trong những Đề án gửi lên Bộ GTVT trước kia, Uber chưa có giấy phép nhưng vẫn cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải là vi phạm pháp luật Việt Nam. Hiện nay, đơn vị này đã bổ sung đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu” - đại diện Bộ GTVT cho biết thêm.
Theo Dân Trí