|
Trang trại bò sửa của Hoành Anh Gia Lai |
Trước những khó khăn tại doanh nghiệp của Bầu Đức những năm qua, một nữ cổ đông VPBank tên Bảo Anh nêu lo lắng về rủi ro, tình trạng của khoản vay này, cũng như kế hoạch xử lý của ngân hàng.
Trả lời câu hỏi, Chủ tịch VPBank - Ngô Chí Dũng xác nhận hiện Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn hơn 2.000 tỷ đồng nợ vay tại ngân hàng song cũng nhận định hiện doanh nghiệp này đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Cụ thể trong những năm trước, Hoàng Anh Gia Lai có đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khó khăn gặp phải có cả yếu tố chủ quan và khách quan (như giá nông sản, hàng hoá và kinh tế thế giới biến động...).
Tuy nhiên từ cuối năm 2016, doanh nghiệp này đã tái cơ cấu khoản nợ và được ân hạn các khoản vay ngân hàng từ 3, 5 đến 10 năm. “Với giá cao su, dầu cọ… đang tăng trở lại thì giai đoạn khó khăn, rủi ro nhất với Hoàng Anh Gia Lai đã qua. Dòng tiền sẽ xuất hiện trở lại và rủi ro khoản vay của doanh nghiệp này với VPBank gần như không có”, ông Dũng khẳng định.
|
Lãnh đạo VPBank tiếp tục nhận được chất vấn của cổ đông về việc chưa chia cổ tức bằng tiền mặt. |
Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank nói thêm rằng ngân hàng đánh giá Hoàng Anh Gia Lai mất cân đối về vốn do giá nông sản, còn cơ sở cân đối tài sản tương đối tốt. Khoản nợ hơn 2.000 tỷ của Hoàng Anh Gia Lai tại VPBank gồm nhiều lĩnh vực, chủ yếu là cao su, dầu cọ, chăn nuôi, thuỷ điện… “Đây đều là những lĩnh vực hoạt động thực”, ông Vinh nói.
Nằm trong chương trình tái cấu trúc của Chính phủ với Hoàng Anh Gia Lai, VPBank cho biết đã làm việc trong nhiều tháng với cơ quan quản lý và công ty của Bầu Đức để tìm ra hướng cấu trúc nợ. Khoản vay hơn 2.000 tỷ này được giãn từ 2 lên 5 năm, một phần được cơ cấu ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), một phần ở nhóm nợ 2 (nợ cần chú ý).
Tuy nhiên, Tổng giám đốc VPBank đánh giá, nợ ở nhóm 2 không có nghĩa là xấu do “họ kinh doanh thực và đang tiếp tục trả nợ”.Với kế hoạch hoạt động trở lại của Hoàng Anh Gia Lai từ tháng 3, trong năm nay, công ty đã có thể trả nợ một phần và sẽ trả tốt hơn trong năm 2018. “Ngân hàng đã có kế hoạch cấu trúc lại để không bị mất vốn và tin là sẽ thu hồi được dần trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Vinh cam kết.
Báo cáo trước các cổ đông về kế hoạch năm 2017, ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết VPBank vừa trải qua một năm kinh doanh thuận lợi với lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 3.935 tỷ đồng, tăng 64,3% so với năm 2015. Sau khi trích các quỹ, VPBank còn lãi chưa phân phối là 1.508 tỷ đồng.
Doanh thu ngân hàng tăng 40%, đạt 16.800 tỷ, trong đó 50% góp từ công ty tài chính FE Credit, còn lại các khối dịch vụ khác của ngân hàng. “Doanh thu của ngân hàng dựa vào sự phát triển đồng đều của các phân khúc”, ông Vinh đánh giá.
Vị CEO cũng cho biết VPBank là nhà băng tham gia nhiều vào các hoạt động cho vay rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nhìn con số thì lớn so với các ngân hàng trong hệ thống - với 2,9% (riêng ngân hàng là khoảng 2%, công ty tài chính là hơn 4%), song tất cả vẫn nằm trong vùng an toàn.
“Con số cũng phản ánh phân khúc ngân hàng kinh doanh có độ rủi ro cao hơn. Vì thế VPBank đã trích lập dự phòng khá chặt chẽ và có thể nói là lớn nhất hệ thống”, Tổng giám đốc VPBank giãi bày. Ông cho biết mức trích lập dự phòng rủi ro năm 2016 tới 5.383 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó. Riêng khoản trích dự phòng cho công ty tài chính đạt hơn 3.000 tỷ.
Tuy đạt lợi nhuận cao nhưng nhà băng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ lên 14.059 tỷ đồng, từ mức hơn 10.765 tỷ tại thời điểm cuối tháng 3/2017.
Việc tăng vốn sẽ được ngân hàng tiến hành thành 2 đợt. Đợt 1 là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Với phương thức được Hội đồng quản trị đánh giá “hiệu quả nhất để thực hiện” này, VPBank sẽ có nguồn để tăng thêm 3.294 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 14.059 tỷ. Qua biểu quyết có tới 99,9% cổ đông dự họp đồng ý với phương án này.
Đến đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn, với tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15%.
Lý giải chuyện một lần nữa việc VPBank trì hoãn chia cổ tức bằng tiền mặt, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho rằng về lý thuyết thì năm 2018, ngân hàng có thể trả cổ tức theo cách này cho cổ đông. Tuy nhiên, do giá mỗi cổ phiếu VPBank được giao dịch trên thị trường OTC cao hơn nhiều giá 10.000 đồng, nên vị này cho rằng nhận cổ tức bằng chứng khoán sẽ có giá trị hơn nhiều tiền mặt. “Trả cổ tức bằng tiền mặt thì giá trị sẽ giảm, tôi không nghĩ cổ đông thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt”, ông Dũng chia sẻ.
Dù vậy nhiều cổ đông tại cuộc họp cho rằng họ vẫn muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn. "Tôi mua cổ phiếu ngân hàng gần 10 năm nay nhưng chưa năm nào nhận được cổ tức bằng tiền. Năm nay ngân hàng lãi lớn cũng không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Tiền mặt vẫn hơn", một vị cổ đông nói.
Về kế hoạch lên sàn của VPBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết do một số thủ tục hành chính kéo dài nên kế hoạch bị chậm lại. Dự kiến trong quý III/2017, cổ phiếu của VPBank mới có thể được niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Theo VNE