Dịch vụ gọi xe Vivu vẫn chưa thể "vi vu"

Thứ hai, 10/04/2017, 13:22
Hiện tại, Vivu có số xe thực chạy thường xuyên là 3.000 chiếc, bằng khoảng 1/5 so với những đối thủ lớn.  

Di chuyển từ trung tâm quận 1 đến quận Bình Thạnh, hóa đơn là 60.000 đồng, rẻ hơn hẳn so với gọi xe bằng Uber hay Grab trong giờ cao điểm. Đó là ấn tượng đầu tiên mà Vivu, ứng dụng gọi xe “Made in Vietnam” mới xuất hiện đem đến cho người trải nghiệm.

Nhắc đến phần mềm gọi xe qua smartphone, hai cái tên Grab và Uber tưởng đã chiếm phần lớn miếng bánh thị trường thể hiện qua kết quả kinh doanh và những đợt rót vốn ấn tượng. Thống kê của Grab cho thấy hãng có trung bình 1,5 triệu lượt đặt xe/ngày. Còn Giám đốc Uber Việt Nam từng cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường Việt Nam cao thứ nhì thế giới.

Cuộc chơi mới của mô hình kinh tế chia sẻ khiến các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun không tiếc tiền thay mới đồng hồ tính tiền, thiết bị định bị, giám sát hành trình, thậm chí tung ra các ứng dụng gọi xe cho riêng mình. Các hãng taxi nhỏ như LiveTai, TaxiNavi, Oh!Taxi, VietTaxi… cũng có động thái tương tự. Và hàng loạt thương hiệu Việt xuất hiện trong mảng gọi xe như iMove, 123Xe, Go-ixe, Taxi57, VietGo… đã chứng minh thị trường này nhiều dư địa, nhất là ở những thị trường ngách.

Gần đây nhất, Vivu (trước đây là Facecar), là ứng dụng đặt xe qua smartphone đang được quan tâm khi đứng thứ ba chỉ sau Grab và Uber trên các kho ứng dụng, dù chỉ mới xuất hiện vài tháng. Tên tuổi Facecar được biết đến khi một nhà đầu tư Đức công bố có ý định đầu tư 1 tỉ USD gây nhiều tranh cãi.

Chưa hết bất ngờ thì Facecar lại nhanh chóng chuyển quyền sở hữu cho nhóm nhà đầu tư khác, dưới cái tên Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ Vivu. Theo đó, Vivu có 13 cổ đông, nhà sáng lập Trần Thanh Nam là 1 trong những thành viên Hội đồng Quản trị và chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm.

Song, cổ đông gây chú ý nhất lại là Vũ Khắc Tiệp, lâu nay chỉ được biết đến trong giới chân dài showbiz. “Tôi và anh Tiệp hợp tác đơn giản là để bổ sung cho nhau những gì mà chúng tôi không có”, ông Nam chia sẻ với PV. Cùng lúc Vivu tung ra dịch vụ “xe ôm công nghệ” Vivumoto, nhiều người mẫu chân dài quảng cáo xuất hiện cùng những chiếc siêu xe làm kẹt một đoạn đường trung tâm quận 1 cho thấy sức hút truyền thông mà Vivu có được nhờ ông bầu Vũ Khắc Tiệp.

Những ồn ào về thay đổi chủ đầu tư chưa rõ gây thiệt hại gì cho Vivu về danh tiếng nhưng không thể phủ nhận lợi ích trước mắt là ứng dụng này nhanh chóng được biết tới, trong khi nhiều ứng dụng trước đó như iMove, Go-ixe còn khá xa lạ với người dùng. Sau khi đổi tên, Vivu có lượng tải xuống tăng gấp đôi và đang ở mức 100.000 người dùng. Ông Nam cho biết, số tiền được đầu tư vẫn chưa đụng đến và ông sẽ cố gắng không rót vào vận hành hay phát triển sản phẩm. Nếu có, chỉ sẽ dùng cho các hoạt động truyền thông.

Tham gia thị trường này, rõ ràng Vivu phải đối đầu trực tiếp với Grab hay Uber. Đặc biệt, Grab Việt Nam đã là công ty có tư cách pháp nhân với ngành nghề đăng ký kinh doanh là vận tải hành khách và hàng hóa, được hoạt động thí điểm và đóng thuế cho Nhà nước. Trong khi đối thủ lớn Uber loay hoay với tính pháp lý tại Việt Nam, thì Grab nhanh chóng mở rộng mô hình, đánh chiếm thị phần ra 4 mô hình gồm GrabTaxi (bao gồm cả taxi và xe không nhãn giống Uber), GrabCar, GrabBike và GrabExpress (chở hàng).

Trước mắt, vẫn dựa trên nền tảng Facecar, Vivu cạnh tranh bằng những tính năng khác biệt. Đầu tiên là tính năng trả giá. Trong khi những nhà cung cấp dịch vụ khác nắm quyền định giá cuốc xe, thì Vivu cho phép khách hàng và tài xế thương lượng giá trực tiếp. Hình thức này có vẻ đi ngược với “văn minh” niêm yết giá của các mô hình gọi xe, thay vào đó là thói quen trả giá của người dùng Việt Nam.

Ông Nam lấy ví dụ thay cho thắc mắc này. Giả sử, với Grab hay Uber, khách hàng thường khó bắt được xe nếu cần đi quãng đường 2km (chi phí khoảng 20.000 đồng). Với Vivu, khách hàng có thể nâng giá cuốc xe lên 30.000-40.000 đồng để tăng tỉ lệ tài xế nhận chuyến. Ngược lại, trong những trường hợp khác, tài xế có thể thỏa thuận mức giá thấp hơn trung bình để được khách hàng chọn miễn là thấy có lời.

Cho phép khách hàng yêu cầu dòng xe cụ thể hoặc liên hệ trực tiếp với tài xế yêu thích, không tăng giá giờ cao điểm, thanh toán được bằng nhiều công cụ trực tuyến và ví điện tử như Zalo Pay, VTC Pay… là những điểm khác biệt khác mà Vivu xây dựng.

Tuy vậy, vài khách hàng từng phàn nàn Vivu không có hệ thống đánh giá tài xế nên mọi ý kiến vẫn phải trực tiếp liên hệ tổng đài của dịch vụ. Số lượng tài xế là yếu tố cạnh tranh cốt lõi trong cuộc đua giữa các ứng dụng gọi xe. “Thông tin ngoài lề khi báo cáo tài chính của một doanh nghiệp lớn trong ứng dụng gọi xe bị lộ ra ngoài cho biết công ty đã chi đến 153 tỉ đồng để thu hút 1.000 xe trong 2 tuần đầu ra mắt. Nhiều người ngăn cản tôi không nên đâm đầu vào thị trường này, nhưng tôi nghĩ vẫn có cách hút tài xế mà không cạnh tranh bằng tiền”, ông Nam nói.

Cách mà Vivu, cũng như Go-ixe, iMove, những ứng dụng gọi xe Việt sử dụng là miễn thu phí dịch vụ tài xế, hoặc về lâu dài chỉ thu 8-10% doanh thu, so với tỉ lệ 20% của Uber và Grab. Nhiều chuyên gia nhận định, trong những mô hình phát triển nhờ công nghệ, dữ liệu khách hàng lớn đôi khi quan trọng không kém doanh thu có được từ tài xế.

Hiện tại, Vivu thu hút được khoảng 5.000 tài xế đăng ký, số xe thực chạy thường xuyên là 3.000 chiếc, bằng khoảng 1/5 so với những đối thủ lớn. Trên thực tế, mỗi tài xế có xe nhàn rỗi thường chạy cho nhiều ứng dụng cùng lúc. Vì thế, chiến lược này của Vivu không phải không có cơ sở, khi dễ được tài xế chọn chạy cuốc xe của Vivu để lời nhiều hơn.

Từ nay đến hết tháng 5 là giai đoạn ứng dụng này chạy thử nghiệm, kiểm tra tính ổn định hệ thống và thu hút khách hàng. Khách hàng mà những ứng dụng sinh sau đẻ muộn như Vivu thu hút là những đối tượng đã được “làm quen” với dịch vụ gọi xe công nghệ từ những đơn vị đi tiên phong như Uber, Grab và có ý định trải nghiệm dịch vụ mới.

Chia sẻ thêm, ông Nam cho biết ngoài 2 thành phố lớn, Vivu sẽ tấn công mạnh thị trường tỉnh và ký kết với đối tác để quản lý hoạt động ở từng địa phương. Phát triển các tuyến xe đi đường dài, đưa vào tính năng đi nhờ xe để khách đi liên tỉnh bằng xe hơi mà giá rẻ hơn xe khách, tận dụng các chuyến xe rỗng để kết nối tài xế - khách hàng… là những chiến lược khác của ứng dụng này. Đây cũng là ngách thị trường mà 123Xe của VNG hướng đến, bằng cách cung cấp các chuyến đường dài tùy theo yêu cầu khách hàng như đi chung xe, thuê xe 45 chỗ…

Tương tự các ứng dụng khác, Vivu cũng kết hợp gọi xe máy, taxi vào hệ thống. Khoảng 200 chiếc xe máy đã đăng ký gia nhập Vivu khi ứng dụng này mở thông báo. Còn về taxi, Vivu cho biết sẽ không cạnh tranh trực tiếp, mà sẽ hợp tác với các hãng dưới nhiều hình thức. Có thể tích hợp gọi xe qua Vivu hoặc cung cấp phần mềm tính tiền linh động cho taxi truyền thống để tăng sức cạnh tranh.

Cuộc cạnh tranh trên thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam đã thêm phần khốc liệt hơn với sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng mới. Các ứng dụng này cần đặt câu hỏi về điểm khác biệt ở sản phẩm, lý do khách hàng sẽ lựa chọn sử dụng sản phẩm của họ, những khả năng nào tài xế sẽ sử dụng nền tảng này. Khó khăn khác cũng là xác định rõ phân khúc khách hàng mục tiêu hướng đến và cân nhắc giữa việc xây dựng một thương hiệu mới hay phát triển một loại hình vận chuyển khác ngoài xe máy và ô tô.

Bên cạnh đó, họ cũng cần nguồn đầu tư đáng kể để luôn hoàn thiện và cập nhật những công nghệ mới nhất, cũng như chạy đua trong các chương trình khuyến mãi, giảm giá thu hút người dùng... Chính những rào cản này khiến ứng dụng Easy Taxi dù đầu tư hàng chục triệu USD vào thị trường Việt Nam nhưng cũng sớm bỏ cuộc. Bên cạnh đó, hàng loạt các ứng dụng khác đang phải hoạt động cầm chừng.

Vì vậy, mặc dù đang có những lợi thế ban đầu nhưng với nhiều rào cản, các ứng dụng gọi xe Việt như Vivu chưa thể nghĩ đến ngày... vi vu dạo chơi.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn