Sáng (7/4), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc của Ban cán sự, họp bàn nhiều nội dung quan trọng. Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nghĩa đề cập là việc quy định giá trần, giá sàn vé máy bay.
“Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm.
Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”, Bộ trưởng nói.
Ông nhấn mạnh cần thay đổi cách tiếp cận trong quản lý. Phải xuất phát từ hạ tầng, hạ tầng đáp ứng được đến đâu thì phải có giải pháp điều hành để đảm bảo an toàn, an ninh tối đa, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Hãng hàng không có thể giảm giá vé tại sao không giảm? |
“Như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, quản lý Nhà nước đã làm rất tốt công việc của mình. Hạ tầng chỉ có thế, nhu cầu người dân đi lại tăng cao. Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không đã đưa ra được nhiều giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại vừa đảm bảo an toàn, an ninh mà giữ được chất lượng dịch vụ thông qua việc giãn chuyến, tăng chuyến bay đêm, khống chế số chuyến bay giờ cao điểm… Như ở nước ngoài, người ta khuyến khích bay máy bay lớn vào giờ cao điểm, còn máy bay nhỏ, bay giá rẻ phải chấp nhận bay giờ không đẹp.
“Hàng không đang tăng trưởng nóng, thời gian tới, vai trò quản lý Nhà nước về hàng không phải phát huy hơn nữa, trong đó có việc quy định về giá dịch vụ, cần thu đúng, thu đủ, từ đó mới có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng…”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu thực hiện 2 nguyên tắc: Không được vượt quá chi phí thu phí hiện nay của các nhà đầu tư BOT và không giới hạn nhà cung cấp dịch vụ.
Trước đó, báo cáo Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga, cho biết ngày 27/3 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, có hiệu lực từ 15/5.
“Lộ trình bàn giao việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang hình thức tự động không dừng đã được quy định rất cụ thể, đề nghị Vụ Đối tác Công tư triển khai các công việc có liên quan để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình”, bà Nga nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm: Theo Quyết định của Thủ tướng, chậm nhất đến 31/12/2018, phải áp dụng thu phí tự động trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đối với trạm thu được xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu ngay sau khi được nghiệm thu.
Việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường của các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải áp dụng thu theo hình thức điện tử tự động không dừng.
“Hiện tại, các trạm do Tasco thực hiện không có vấn đề gì. Tuy nhiên, với các trạm của Vietinbank, cần quan tâm hơn đến việc đồng bộ công nghệ theo tiêu chuẩn chung, tránh trục trặc sau khi vận hành”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu chúng ta đã thống nhất tiêu chuẩn, các nhà đầu tư sau phải theo tiêu chuẩn đó để đảm bảo sự đồng bộ trên toàn quốc.
Cũng tại buổi làm việc sáng nay của Ban cán sự đảng Bộ GTVT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc tăng cường giải ngân, quyết toán dự án; triển khai nhanh dự án cao tốc Bắc – Nam; đẩy nhanh tiến độ, quy trình sắp xếp lại Ban quản lý dự án.
Cùng đó, người đứng đầu Bộ GTVT cũng lưu ý vấn đề liên quan đến tiết kiệm khi khởi công, khánh thành, vấn đề hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi triển khai các dự án BOT.
Theo Báo Giao Thông