Ngày 7/4, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc của Ban cán sự, họp bàn nhiều nội dung quan trọng. Một trong những vấn đề được Bộ trưởng Nghĩa đề cập là việc quy định giá trần, giá sàn vé máy bay.
“Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay.
Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm. Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu thay đổi cách tiếp cận trong quản lý vận tải hàng không. |
Ông cũng nhấn mạnh: Cần phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý. Phải xuất phát từ hạ tầng, hạ tầng đáp ứng được đến đâu thì phải có giải pháp điều hành để đảm bảo an toàn, an ninh tối đa, đảm bảo chất lượng dịch vụ.
“Như dịp Tết nguyên đán vừa qua, quản lý nhà nước đã làm rất tốt công việc của mình. Hạ tầng chỉ có thế, nhu cầu người dân đi lại tăng cao. Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không đã đưa ra được nhiều giải pháp để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại vừa đảm bảo an toàn, an ninh mà giữ được chất lượng dịch vụ thông qua việc giãn chuyến, tăng chuyến bay đêm, khống chế số chuyến bay giờ cao điểm… Như ở nước ngoài, người ta khuyến khích bay máy bay lớn vào giờ cao điểm, còn máy bay nhỏ, bay giá rẻ phải chấp nhận bay giờ không đẹp.
Hàng không đang tăng trưởng nóng, thời gian tới, vai trò quản lý nhà nước về hàng không phải phát huy hơn nữa, trong đó có việc quy định về giá dịch vụ, cần thu đúng, thu đủ, từ đó mới có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng…” – Bộ trưởng Nghĩa nói.
Phát biểu của Bộ trưởng GTVT có thể coi là quyết định cuối cùng của Bộ về việc đưa ra giá sàn - giá trần vé máy bay.
Trước đó, theo văn bản góp ý của Jetstar Pacific về dự thảo khung giá vé máy bay đang được Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến, ngoài giá trần vẫn được áp dụng hiện hành, hãng này đề xuất lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn.
Đây là những chi phí cơ bản trực tiếp liên quan tới phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không gồm các chi phí gián tiếp như chi phí quản lý, chi phí bán…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động trong khoảng 29-35% giá trần.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng trần là phù hợp với xu thế chung của ngành và việc áp dụng mức sàn ở mức hơn 30% giá trần là hợp lý.
Ngay khi đề xuất giá sàn vé máy bay được đưa ra, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không phản đối và cho rằng không khả thi. Bởi lẽ, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần, giá sàn) đến nay đã không còn phù hợp trong điều kiện thị trường cạnh tranh. Thay vì quản giá vé máy bay bằng biện pháp hành chính, các chuyên gia đề xuất phương thức quản lý nên thay đổi theo hướng giảm tối đa sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước, và để thị trường quyết định dựa trên cung - cầu.
Theo Đất Việt