Những cửa hàng ảo trên Facebook được đầu tư kỹ càng trong phần giới thiệu sản phẩm, thông qua những hình ảnh bắt mắt kèm những dòng chào mời đầy hấp dẫn, với đủ mặt hàng: quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ ăn,... Việc kinh doanh diễn ra khá tấp nập, nhộn nhịp khiến Facebook không khác gì khu chợ trên mạng.
Nhộn nhịp chợ trên mạng Facebook. |
Hình thức bán hàng này còn là nghề tay trái, nhưng đem lại thu nhập chính cho một số người. Thậm chí, hiện bán hàng qua mạng đang ở thế thượng phong, tỏ ra "trên cơ" cả thương mại điện tử.
Ông Huỳnh Kim Tước, đại diện cao cấp của Facebook tại Việt Nam, tiết lộ nhiều bạn trẻ có thu nhập khoảng 100.000 USD/tháng, tương đương hơn 2 tỷ từ bán hàng trên mạng xã hội này.
Bà Quỳnh Anh, nhân viên văn phòng của một quận thuộc Hà Nội, từ 2 năm nay cũng thêm nghề tay trái - bán hàng qua mạng. Bình quân mỗi tháng, doanh thu 70 triệu đồng, lợi nhuận 10%, cao hơn lương làm ở văn phòng.
Không chỉ các cá nhân mà ngay cả doanh nghiệp cũng có xu hướng coi mạng xã hội là một kênh bán hàng. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, 61% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ứng dụng kinh doanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy đây cũng là một xu hướng chung đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp với chi phí thấp nhất.
Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho hay trong năm 2016, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên thị trường thương mại điện tử lên tới 4 tỷ USD, tương đương gần 100.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, kinh doanh trên mạng xã hội giờ cũng kéo theo nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là nơi để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bà Nguyễn Thu Trang, chủ một shop kinh doanh hàng Nhật, thừa nhận kinh doanh trên Facebook khá đa dạng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề.
Không ít người bán không đăng ký kinh doanh; bán hàng lậu, hàng xách tay trốn thuế là cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh có đăng ký chịu hàng trăm chi phí.
“Nhiều người bán hàng qua mạng lúc đầu hút được khách quen vì hàng thật, nhưng khi đã có nhiều khách, lại không đủ hàng có chất lượng và hám lãi cao nên sinh ra làm liều, đưa cả hàng giả, hàng nhái lên shop”, bà Trang nói.
Liên quan tới vấn đề nộp thuế, bà Trang cho rằng chỉ đóng thuế khoán thôi chứ không thể kiểm soát được hết thu chi. “Một người nấu đồ ăn rồi bán qua mạng thì công khai thu chi thế nào?”, bà đặt câu hỏi.
Trả lời báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu ví von việc thu thuế của những người bán hàng qua mạng xã hội Facebook khó như “tìm kim trong đống rơm.
Ông Hiếu nói: “Giờ nhiều người lên Facebook buôn bán, kiểm soát thuế với các giao dịch mua bán trên đó cũng giống như tìm kim trong một đống rơm, không biết nó nằm đâu mà bới ra. Thế nhưng không có nghĩa khó thì mình không làm, bắt buộc phải có quy định, từ quy định sẽ có biện pháp và công cụ để kiểm soát”.
Khó thu thuế bán hàng trên mạng xã hội. |
Theo quan điểm của ông Hiếu, tất cả giao dịch phải chịu thuế và báo cáo tất cả giao dịch là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với mỗi cá nhân sẽ có “mức miễn trừ thuế”.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, (VECOM) cho biết quan điểm của Hiệp hội Thương mại điện tử là đã kinh doanh, thương nhân phải đóng thuế. Vấn đề còn lại với câu chuyện thu thuế hoạt động bán hàng qua Facebook chính là cách thức nộp thuế, cách thu ra sao cho phù hợp với môi trường trực tuyến. Điều này cần xem xét kỹ.
Về đối tượng nộp thuế thì nên thực hiện với các thương nhân hoạt động kinh doanh trên Facebook, chứ không phải là những người thi thoảng mới lên mạng bán một món đồ.
Theo Luật Thương mại thì thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh thường xuyên.
Chủ tịch VECOM cho rằng môi trường mạng khác với môi trường kinh doanh truyền thống nên nếu làm không cẩn thận thì chi phí đi thu còn lớn hơn số thuế thu được. Bởi, cá nhân kinh doanh trên Facebook lên đến hàng triệu người, có thể gây phức tạp cho công tác thu thuế.
Giải thích về điều này, tại tọa đàm mới đây về thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết theo quy định, cá nhân hay tổ chức dù có đăng ký kinh doanh hay không, nếu tham gia hoạt động thương mại, có phát sinh thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên, đều phải kê khai và nộp thuế.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay rất khó để kiểm soát thu nhập cá nhân trên mạng xã hội.
“Việc thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội vẫn chưa có giải pháp cụ thể về mức thu như thế nào, cách tính ra sao... tất cả vẫn đang được các cơ quan đơn vị chức năng nghiên cứu”, ông Tuấn cho biết.
Theo Vietnamnet