Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho hay sau giao dịch, Tân Liên Phát đã giảm sở hữu tại TTF từ hơn 43,22 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 29,9% vốn điều lệ xuống còn 7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,83%. Tân Liên Phát cũng không còn là cổ đông lớn của TTF kể từ ngày 31/3.
Lịch sử giao dịch cho thấy 31/3, cổ phiếu TTF giảm 210 đồng xuống còn 7.310 đồng/cổ phiếu và có gần 21,2 triệu cổ phiếu TTF được giao dịch trong phiên thỏa thuận, giá trị 21,7 tỷ đồng. Trước đó, ngày 27/3, hơn 14,1 triệu cổ phiếu cũng TTF được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận, giá trị 15,1 tỷ đồng.
Hiện chưa rõ thông tin đơn vị nhận chuyển nhượng số cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn tại Gỗ Trường Thành nói trên là ai.
Sau sự ra đi của 'cha đẻ' - ông Võ Trường Thành, chưa rõ ai sẽ là ông chủ mới của Gỗ Trường Thành. Ảnh: Hải An. |
Trước đó, vào cuối tháng 11 năm ngoái, Tân Liên Phát cũng đã bán xong 28,922 triệu cổ phiếu TTF. Sau giao dịch này, từ hơn 72,15 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 49,9%, TTF giảm xuống còn hơn 43,22 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 29,9% nêu trên.
Tháng 5/2016, đơn vị này cũng công bố kế hoạch dự kiến sẽ tiến đến sở hữu 69% vốn tại TTF khi mua xong 78,9 triệu cổ phiếu từ 12 cổ đông cá nhân (thực tế thì Tân Liên Phát đã chi 1.800 tỷ đồng để sở hữu 72,15 triệu cổ phiếu) và nhận mua 69,7 triệu cổ phiếu từ TTF để cấn trừ nợ hơn 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó Tân Liên Phát tạm ngưng chuyển đổi khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng thành cổ phiếu khi phát hiện ra một số sai lệch nghiêm trọng về số lượng hàng tồn kho tại báo cáo tài chính của TTF.
Theo đó, doanh nghiệp đã có văn bản yêu cầu công ty phải giải trình làm rõ một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được công bố và làm cơ sở xác định mức giá chuyển đổi.
Cổ phiếu TTF tăng giá gần 50% trong vòng 2 tháng qua. Đồ họa: Phương Diệp. |
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của Gỗ Trường Thành vừa công bố cho thấy đơn vị này chỉ còn lỗ ròng 1.271 tỷ đồng, giảm hơn 350 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán.
Ngày 20/3, Đại hội cổ đông của Gỗ Trường Thành đã thông qua phương án khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành (nguyên Chủ tịch TTF) và ông Võ Văn Diệp Tuấn (nguyên thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ TTF).
Cụ thể, ông Thành và ông Tuấn cam kết tự nguyện sử dụng các tài sản của bản thân và người liên quan để khắc phục hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém tại TTF và các công ty con.
Điều này được dựa vào các sai lệch, thất thoát phát sinh tham khảo theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên và quý III/2016 của TTF đã được soát xét bởi công ty kiểm toán.
Sau khi hoàn thành việc chuyển giao tài sản, TTF có văn bản miễn toàn bộ trách nhiệm bao gồm trách nhiệm pháp lý và đồng thời đơn vị sẽ làm việc với Công ty Tân Liên Phát. Nội dung là ra văn bản bãi nại cho ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn trong vòng 3 ngày kể từ khi hoàn thành chuyển giao xong toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TTF đã phản ứng rất tích cực trước các luồng thông tin trên với việc tăng từ mức 5.400 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2017 lên 8.020 đồng ở thời điểm hiện tại, tương ứng với mức tăng 49%.
Theo Zing