Băn khoăn dự án nhiệt điện tỷ đô tại Long An

Thứ ba, 04/04/2017, 09:59
Người dân tại xã Phước Vĩnh Đông ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An và Hiệp Phước của huyện Nhà Bè, TP.HCM không khỏi lo lắng môi trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trước thông tin sẽ có nhà máy nhiệt điện tỷ đô mọc lên tại Cần Giuộc.

Khu vực dự án Trung tâm nhiệt điện Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, Long An.

Khu vực được đề xuất xây Trung tâm nhiệt điện Long An nằm tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc với diện tích gần 250ha.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông cho biết, theo quy hoạch, Trung tâm điện lực Long An được xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện năng không chỉ cho tỉnh mà còn cho cả vùng ĐBSCL. Việc đầu tư dự án này không chỉ cung cấp điện đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng mà còn kéo theo các dự án khác góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, ông Hùng nói địa phương cũng rất lo lắng về vấn đề môi trường. Do đó, rất cần sự góp ý, phản biện của nhiều cơ quan, chuyên gia một cách công khai, minh bạch để người dân an tâm hơn. “Quan điểm của địa phương là không đánh đổi môi trường nên rất cần ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn, chuyên gia,… đến khi nào thỏa mãn các yêu cầu, các điều kiện đảm bảo môi trường”, ông Nguyễn Việt Hùng nói.

Lo ngại Trung tâm điện lực Long An được xây dựng tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) có thể gây ảnh hưởng đến môi trường TP.HCM, UBND TP.HCM đã có công văn số gửi Bộ Công Thương phân tích về những tác động và đề nghị xem xét lại việc xây dựng nhà máy nhiệt điện tại xã này.

Theo UBND TP.HCM, vị trí này tiếp giáp với khu đô thị cảng Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), có thể tận dụng tuyến luồng sông Soài Rạp đã được nạo vét cho tàu trọng tải 50.000 tấn, tương lai sẽ được nạo vét cho tàu 70.000 tấn lưu thông. Tuy nhiên, nhược điểm là diện tích hạn chế, không có khả năng mở rộng trong tương lai.

Khu vực bố trí Trung tâm điện lực Long An nhiều kênh rạch phải san lấp nên chi phí san lấp lớn. Đoạn sông qua khu vực này hẹp hơn, uốn khúc, nên khó khăn để bố trí cảng than và không đảm bảo an toàn cho giao thông hàng hải, tàu bè ra vào cảng Hiệp Phước.

Đặc biệt, việc xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than đá đặt tại vị trí trên tiềm ẩn rủi ro cao về ô nhiễm môi trường đối với người dân sống ở khu Nam TP.HCM, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực này của TP.HCM.

UBND TP.HCM cho rằng, vị trí xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phù hợp hơn. Vị trí này cách xa cảng Hiệp Phước và có nhiều ưu thế để xây dựng, về lâu dài có thể mở rộng, phát triển được. Riêng về vị trí ở xã này phải nạo vét khoảng 3km đoạn sông Vàm Cỏ làm luồng lạch để tàu trọng tải 50.000 tấn vào, tuy nhiên chi phí nạo vét, duy tu hàng năm đã được tính trong giá thành điện và không phải xây thêm các hạng mục hạ tầng khác.

Trung tâm nhiệt điện Long An sẽ đặt tại ấp Vĩnh Thạnh. Trong ảnh khu vực đánh dấu.

Bộ Công thương: Địa điểm phù hợp

Mới đây, ngày 20/3, Bộ Công Thương đã có thông tin giải thích về quy hoạch Trung tâm điện lực Long An. Theo Bộ Công Thương, ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Theo đó, tại tỉnh Long An sẽ phát triển 2 dự án nhà máy nhiệt điện: Long An I (quy mô 2x600MW vận hành năm 2024-2025) và Long An II (quy mô 2x800MW vận hành năm 2026-2027). Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch địa điểm, quy hoạch chi tiết các trung tâm nhiệt điện than… trong đó có Trung tâm điện lực Long An.

Bộ Công Thương cho rằng, đơn vị tư vấn đề xuất chọn địa điểm tại xã Long Hựu Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bởi địa điểm này có khả năng phát triển đến 3 nhà máy với tổng công suất đến khoảng 4.000MW. Sau đó, để phù hợp với ý kiến của các bộ ngành, đơn vị tư vấn đã hiệu chỉnh hồ sơ quy hoạch vào tháng 2/2017, đề xuất xây dựng tại xã Phước Vĩnh Đông thay cho địa điểm đề xuất trước đó. Bộ Công Thương cho rằng, địa điểm này phù hợp với phát triển 2 dự án có tổng công suất khoảng 2.800 đến 3.600MW. Đồng thời phù hợp với quy hoạch của tỉnh Long An, với quy hoạch Bộ Quốc phòng, phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại Tổng cục Năng lượng đang hoàn thiện công tác thẩm định hồ sơ quy hoạch địa điểm Trung tâm điện lực Long An để trình lên Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê duyệt.

Theo Bộ Công Thương, trường hợp quy hoạch Trung tâm điện lực Long An đáp ứng yêu cầu, được phê duyệt, Bộ sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án. Ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư phải có năng lực, kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy nhiệt điện.

Tỉnh Long An nói gì?

Trả lời PV, về việc UBND TP.HCM có nêu một số nhược điểm và xem xét lại vị trí xây dựng Trung tâm điện lực Long An, trong đó có vấn đề rủi ro cao về môi trường, ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, Bộ Công Thương đã tổ chức một số buổi hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM để các nhà khoa học thảo luận về vấn đề môi trường của các nhà máy nhiệt điện. UBND tỉnh Long An cũng đã có cam kết về việc quản lý chặt chẽ các nhà đầu tư để không xảy ra các vi phạm ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Hoanh cho biết thêm, vị trí dự án nằm ở trung tâm khu vực có các hộ tiêu thụ điện lớn của vùng, sẽ tiết kiệm rất lớn so với chuyển tải điện từ vùng khác về. Mặt khác, đây là vị trí có cảng nước sâu rất thuận lợi cho việc cung cấp nhiên liệu than bằng tàu biển với trọng tải lớn thông qua sông Soài Rạp. Khi dự án đưa vào vận hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của việc khai thác tuyến đường thủy sông Soài Rạp.

Mặt khác, khu vực dự kiến quy hoạch dự án này có mật độ dân cư thưa thớt, đất chủ yếu là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dừa nước; hạ tầng giao thông, điện nước… còn kém và nhiều khó khăn.

Để giảm thiểu tác động của dự án trung tâm nhiệt điện, về lâu dài, khu vực giáp ranh với dự án được quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp. Người dân sẽ được sắp xếp bố trí tái định cư, hỗ trợ việc làm, nơi sinh sống mới để ổn định cuộc sống lâu dài.

“Dự án nhiệt điện tại Long An sử dụng công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn có hiệu suất cao, giảm thiểu phát thải, ảnh hưởng đến môi trường thấp nhất. Xỉ than được nhà đầu tư cam kết không còn là chất thải công nghiệp nguy hại, có thể là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất công nghiệp khác”, ông Hoanh nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích