Xử lý nạn “tour 0 đồng” cần cơ chế đặc thù

Thứ hai, 03/04/2017, 14:22
Trước thực trạng lượng lớn du khách Trung Quốc đổ bộ qua cửa khẩu Móng Cái với loại hình “tour 0 đồng”, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang cố gắng tìm cách khắc phục tình trạng náo loạn thị trường du lịch của địa phương này thời gian qua.  

Nhiều khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái những ngày gần đây.

Những ngày vừa qua, cụm từ “khách tour 0 đồng” không còn xa lạ với chính quyền và người dân Quảng Ninh. Hằng ngày, có hơn chục nghìn du khách đến từ Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái để tham quan vịnh Hạ Long.

Mạnh tay xử lý

Với số lượng lớn khách Trung Quốc đổ bộ vào Quảng Ninh, nhiều công ty du lịch đã lợi dụng cơ hội để kinh doanh bất chính, làm lũng đoạn thị trường du lịch Quảng Ninh. Để dụ được khách sử dụng dịch vụ, các công ty này không từ một thủ đoạn nào, từ giảm kịch giá tour không lợi nhuận, đến chấp nhận chịu bù lỗ.

Loại hình du lịch “tour 0 đồng” đã xuất hiện ở Quảng Ninh từ tháng 6/2016 và nở rộ trong thời gian gần đây. Hàng loạt công ty, doanh nghiệp trong nước câu kết với các công ty phía Trung Quốc bày đủ “thiên la địa võng” để lừa khách nhằm “móc túi” du khách hòng bù lại những chi phí đã bỏ ra. Người ta còn gọi đây là “bang hội chăn khách”.

Ngay khi tình trạng hàng loạt cửa hàng niêm yết giá bằng ngoại tệ và chỉ bán hàng cho người Trung Quốc được báo chí điều tra phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh kiểm tra và xử lý tình trạng này nhằm chấn chỉnh, ổn định tình hình thị trường du lịch.

Chỉ trong vài ngày ra quân, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt hàng chục doanh nghiệp bán hàng sai quy định, cưỡng chế, phá dỡ một số cửa hàng sai phạm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng loạt hướng dẫn viên không có thẻ, thậm chí dùng thẻ giả… Số tiền thu về qua việc xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một loạt các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động. Nhưng điều đáng nói ở đây, tình trạng kinh doanh nhộm nhoạm này đã diễn ra từ lâu mà không có cơ quan chức năng nào đụng đến.

“Lâu nay tôi vẫn dẫn khách từ Móng Cái về bình thường, có ai hỏi han hay kiểm tra gì đâu. Hôm nay thẻ hướng dẫn mới hết hạn chưa đi đổi kịp thì bị “dính chưởng” 3 triệu đồng. Đang vào mùa du lịch mà gặp nạn này thì cả mùa đói rồi” - hướng dẫn viên Cam Trung Ngọc cho biết.

Một số cửa hàng, trung tâm mua sắm liên quan “tour 0 đồng” bị đóng cửa, tước giấy phép kinh doanh

Cơ chế đặc thù

Đợt ra quân chấn chỉnh tình trạng náo loạn thị trường du lịch của các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa qua nhận được sự ủng hộ từ người dân và nhất là các công ty, doanh nghiệp kinh doanh du lịch chân chính. Bước đầu, tỉnh đã thể hiện quyết tâm đem lại một môi trường du lịch lành mạnh.

“Các doanh nghiệp bán tour với giá thấp dưới mức chi phí sẽ kéo chất lượng dịch vụ du lịch đi xuống. Các hướng dẫn viên thay vì quan tâm đến khách thì sẽ tìm cách “chăn dắt” khách. Vậy nên cần có giải pháp cụ thể, thẳng tay xử phạt thậm chí loại bỏ những thành phần làm náo loạn thị trường”, ông Bùi Đình Túy, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn nói.

Trước quyết tâm xử lý những sai phạm liên quan “tour 0 đồng” của Quảng Ninh, một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch lại cho rằng, nếu làm rắn quá, mạnh tay quá có thể sẽ xảy ra trường hợp các đối tác Trung Quốc câu kết đưa khách đến các tỉnh, thành khác. Vậy nên, cần có một cơ chế cụ thể với đặc thù của Quảng Ninh mới mong làm sạch môi trường du lịch.

Nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch lại cho rằng, nếu tỉnh vẫn cứ tiếp tục mạnh tay xử lý và kéo dài thêm một thời gian nữa thì loại hình “tour 0 đồng” sẽ vỡ trận. Khi không còn cơ sở để bòn rút tiền của khách vì giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng được phơi bày và quản lý chặt chẽ, đồng nghĩa với việc không còn nguồn thu “khủng” bù cho giá “tour 0 đồng”, buộc các bên phải ngồi lại với nhau để đẩy giá lên.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đang trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép cơ chế đặc thù, với 2 điểm chính: Yêu cầu các doanh nghiệp đón khách phải cung cấp tour trọn gói và các doanh nghiệp ngoại tỉnh phải đặt chi nhánh, khai thuế tại Quảng Ninh. Vì khi đó, tỉnh sẽ dễ dàng giám sát, kiểm tra, quản lý hoạt động du lịch. Hiện tại trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp ngoại tỉnh vẫn đang kinh doanh trên địa bàn, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

“Do luật không quy định phải cung cấp tour trọn gói nên các Cty lữ hành chỉ khai báo cung cấp từng phần dịch vụ cho du khách, như: Khách sạn, vận tải…, nhưng thực chất, về cơ bản đều cung cấp tour trọn gói. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia đón khách nhưng không đặt chi nhánh, khai thuế tại Quảng Ninh nên muốn khai số lượng khách, doanh thu ra sao thì tùy” - ông Nguyễn Trí Đức, người có nhiều năm kinh doanh du lịch tại TP Hạ Long cho biết.

Đứng trước thách thức lớn về công tác quản lý du lịch, tạo một môi trường sạch cho du lịch. Quảng Ninh cần có một hướng đi đúng để đưa quỹ đạo phát triển du lịch đi đúng hướng như mục tiêu của tỉnh đã đề ra.

“Từ năm 2011, Quảng Ninh đã kiến nghị các bộ, ngành cho phép được thực hiện cơ chế đặc thù, trong đó có 2 điểm chính: Yêu cầu các doanh nghiệp đón khách phải cung cấp tour trọn gói và các doanh nghiệp ngoại tỉnh phải đặt chi nhánh, khai thuế tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được chấp nhận”

Ông Trịnh Đăng Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn