Cuối tháng 3 vừa qua, Hãng hàng không Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, đề nghị áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Jetstar Pacific cho hay: Trong giai đoạn 2014 - 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé, có khi bán thấp hơn giá thành và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không và ngành hàng không.
“Giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cục Hàng không khẳng định Cục chưa có bất kỳ đề xuất nào gửi Bộ Giao thông vận tải về việc áp dụng khung giá sàn vé máy bay |
Cùng đó, lãnh đạo Jetstar Pacific cho rằng, hiện tỷ giá đồng ngoại tệ đang tăng khiến một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng (do chi trả bằng ngoài tệ chiếm tới hơn 80% tổng chi phí). Nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé, bán vé thấp nhiều và đang khó quản lý khi chưa có quy định về giá sàn, sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không.
Jetstar Pacific kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xem xét, ban hành khung giá (có giá sàn và giá trần) trong quyết định mới để đúng với quy định pháp luật, đồng thời góp phần phát triển bền vững ngành hàng không nói riêng và ngành vận tải của Việt Nam nói chung, tạo sự phát triển bền vững cho xã hội.
Đáng nói, sau kiến nghị của Jetstar Pacific, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải về việc không áp dụng giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách vé phổ thông trên các đường bay nội địa.
Vietjet cho rằng, quy định giá sàn dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh năm 2014 và thông lệ quốc tế. Việc quy định giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng hàng không nội địa, hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt nam khẳng định: “Việc áp dụng giá sàn vé máy bay chỉ là kiến nghị của 1 hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, rà soát. Cục chưa từng có chủ trương lấy ý kiến về giá sàn, chưa từng có bất kỳ văn bản nào, đề xuất nào lên Bộ Giao thông vận tải về việc áp dụng giá sàn vé máy bay”.
Theo các chuyên gia hàng không, giá sàn vé máy bay chỉ nên áp dụng trong trường hợp nhà quản lý e ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh, có tình trạng hãng hàng không lớn bán giảm giá hàng loạt để loại bỏ hãng yếu hơn khỏi thị trường, nhằm chiếm thế độc quyền. Nếu nhất thiết phải có khung giá thì có thể coi mức sàn là 0.
Theo Dân Trí