Ngày 2/4, rất đông người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP.Vinh (Nghệ An) lái ôtô dán băng rôn, dùng nhiều xấp tiền lẻ mệnh giá từ 200 - 2000 đồng để mua vé tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 khiến giao thông 2 bên cầu Bến Thủy 1 bị ách tắc nghiêm trọng.
Trên những chiếc xe của người dân còn gắn những băng rôn, khẩu hiệu với nội dung yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT phải miễn hoặc giảm phí qua cầu. Đây là hành động gây sức ép của người dân nhằm tiếp tục phản đối việc thu phí tại trạm thu phí BOT Bến Thủy 1.
Người dân dùng tiền lẻ qua trạm thu phí |
Trao đổi với PV, ông Phạm Tiến Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, đã nắm được thông tin vụ việc. Về phương án giải quyết triệt để tình trạng trên thì lãnh đạo tỉnh, Bộ GTVT đã có kế hoạch cụ thể.
''Ngay tại thời điểm đó, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường điều tiết giao thông đồng thời giải thích, vận động người dân không được dừng, đỗ xe trên cầu. Trưa cùng ngày, người dân mới chịu đưa ôtô trở về, giao thông qua cầu Bến Thủy 1 trở lại bình thường'', ông Hưng cho biết thêm.
Có chống lưng?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Tĩnh cho hay, bản thân ông đã nghe rất nhiều thông tin về những lùm xùm xung quanh việc thu phí của BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II.
''Từ Hà Tĩnh ra Vinh họ thu phí đường tránh. Người dân đi từ Hà Tĩnh ra Vinh có đi một mét đường của Cienco 4 đâu mà bắt họ đóng phí? Nói thẳng ra là Cienco 4 đang móc tiền của người dân một cách hợp pháp. Bản thân tôi rất bức xúc về cách làm việc này của Cienco 4.
Cánh lái xe phản ứng như vậy là mong muốn cơ quan có thẩm quyền lắng nghe tiếng nói của họ, để đảm bảo sự công bằng cũng như là quyền lợi của người dân'', ông Toản chia sẻ.
Theo ông Toản, một giải pháp an toàn nhất để giải quyết tình trạng hiện tại, đảm bảo quyền lợi cho người dân chính là làm thẻ.
''Khi mà anh bắt đầu vào đất Vinh thì anh quẹt thẻ vào. Nếu anh vượt qua khỏi đất Vinh thì anh phải đóng phí. Còn nếu anh không ra khỏi đất Vinh thì Cienco 4 không có quyền thu phí của những phương tiện này'', ông Toản đề xuất.
Việc người dân dùng tiền lẻ đóng phí đã khiến BOT Bến Thủy tắc nhiều cây số. Tuy nhiên chủ đầu tư đã không mở barie cho các phương tiện lưu thông, giảm ùn tắc.
Trong khi đó Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định, trong trường hợp trạm thu phí BOT bị ách tắc trên 500 mét thì phải mở barie cho các phương tiện lưu thông. Nếu trạm nào không thực hiện thì sẽ bị xử lý.
''Không chỉ riêng mình tôi và rất nhiều người cũng lên án về việc này. Có lẽ đằng sau Cienco 4 có một nhân tố nào đó bảo lãnh nên doanh nghiệp này mới dám chống lại lệnh của Bộ GTVT như vậy'', ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
Chỉ đạo nóng
Được biết, ngày 3/4, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) về việc giảm giá phí qua trạm BOT Bến Thủy.
Cụ thể, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 với các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 đến 30 chỗ, xe tải từ 2 - 4 tấn) của người dân có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc các khu vực TP.Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Bộ GTVT giao Cienco 4 khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan, tính toán phương án tài chính theo mức giá điều chỉnh, trình Bộ GTVT để áp dụng giảm giá dịch vụ từ 15/4.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với nhà đầu tư xác nhận cụ thể các phương tiện của đối tượng được giảm giá dịch vụ. Đồng thời có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông.
Theo Đất Việt