Theo quyết định này, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gởi giấy đòi nợ cho Quản tài viên tại tòa án tỉnh.
Quyết định của Tòa án tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản Công ty vàng Phước Sơn |
Trong đó, giấy đòi nợ phải có các nội dung tên, tuổi, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ; tổng số nợ phải trả bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán, số nợ chưa đến hạn; số nợ có đảm bảo và phương thức đảm bảo, số nợ không có đảm bảo mà doanh nghiệp phải trả, khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có). Kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.
Về quyết định của Tòa án tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản Công ty TNHH vàng Phước Sơn (PSGC), chiều ngày 7/4, trao đổi với PV Dân trí, đại diện của đơn vị này cho hay, do quá khó khăn trong quá trình hoạt động, dẫn đến việc bị thua lỗ, mất vốn; từ tháng 7/2014, PSGC đã phải ngừng hoạt động dẫn đến gần 1.000 lao động bị mất việc làm.
Nhà máy vàng Đăk Sa huyện Phước Sơn đã hoạt động trở lại từ tháng 8/2016… |
Đơn vị kiện PSGC ra tòa để tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PSGC là Công ty CP tư vấn và kỹ thuật Abel Việt Nam (Abel Việt Nam). PSGC hiện nợ đơn vị này 19 tỉ đồng, sau nhiều lần đàm phán, thương lượng về kế hoạch trả nợ phù hợp với tình hình thực tế nhưng Abel Việt Nam không chấp nhận.
Từ tháng 7/2015, được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, PSGC đã hợp tác với Công ty CP Vàng VACO (VACO), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) triển khai đề án tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp để dần từng bước phục hồi hoạt động sản xuất.
Ngày 19/7/2016, Cục thuế tỉnh Quảng Nam đã có quyết định cho phép PSGC được nộp dần số nợ thuế khoảng 335 tỷ đồng trong vòng 11 tháng (bình quân mỗi tháng hơn 30 tỷ đồng) với sự bảo lãnh thanh toán của VAB.
Tuy nhiên, hiện nay nhà máy vàng Đăk Sa đã tạm ngừng hoạt động |
Theo PSGC, đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thanh toán được khoảng 244 tỷ đồng, chiếm 73% tổng số nợ thuế. Ngoài ra các thành viên mới của PSGC đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm phục hồi hoạt động sản xuất của PSGC.
Từ giữa tháng 8/2016, PSGC đã đưa mỏ vàng Đăk Sa (huyện Phước Sơn) vào khai thác trở lại; đồng thời, cũng tiến hành sửa chữa máy móc, thiết bị nhằm sớm đưa Nhà máy chế biến vàng Phước Sơn vào vận hành sản xuất.
Do Công ty bắt buộc phải xuất khẩu 100% sản phẩm theo Giấy chứng nhận đầu tư, việc Công ty được cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu là một trong những điều kiện tiên quyết để đưa Nhà máy chế biến vàng Phước Sơn hoạt động trở lại. Hiện tại, Công ty vẫn đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu năm 2017.
Đối với các khoản nợ khác, trong đó có nợ của các nhà cung cấp, Công ty đã và đang nỗ lực thương lượng với từng chủ nợ về kế hoạch trả nợ phù hợp với điều kiện tài chính và tình hình phục hồi hoạt động sản xuất thực tế của Công ty và đã đạt được thỏa thuận với nhiều chủ nợ lớn.
“Công ty TNHH vàng Phước Sơn rất thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các nhà cung cấp và luôn thiện chí hợp tác để từng bước khắc phục tồn tại cũ. Công ty chúng tôi luôn mong muốn sớm quay lại hoạt động để tạo nguồn thu, trả hết tất cả các khoản nợ cho các nhà thầu, nhà cung cấp và tiếp tục phát triển. Nhưng với động thái đẩy Công ty đến tình trạng phá sản, toàn bộ kế hoạch tái cấu trúc, trả nợ thuế, nợ nhà thầu, nhà cung cấp sẽ thất bại”, đại diện PSGC nói.
Cũng theo đại diện PSGC, trong bất kỳ hoàn cảnh nào PSGC với sự đồng hành của các thành viên góp vốn như VACO, NVM, MINCO và Nhà tài trợ vốn (VAB) vẫn kiên quyết tiếp tục thực hiện thành công đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt nhằm sớm đưa Nhà máy vàng Phước Sơn quay lại hoạt động.
Theo Dân Trí