|
Cẩn trọng vấn đề môi trường từ các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc |
Ủng hộ tất cả các nguồn vốn đổ vào VN nhưng các chuyên gia cũng lưu ý vấn đề môi trường từ các dự án đến từ Trung Quốc khi nguồn vốn đầu tư gián tiếp và cả trực tiếp từ quốc gia này đổ mạnh vào VN trong quý 1.
Thường cứ tầm 9 giờ sáng mỗi ngày, nhà hàng trước sảnh Trung tâm thương mại An Đông Plaza (Q.5, TP.HCM) lại đông nghẹt khách đến ăn và uống cà phê sáng. Khách đa số là doanh nhân, giới kinh doanh đến từ Trung Quốc, một số có văn phòng đại diện tại VN, một số là chủ các sạp hàng bán áo quần trên tầng 2 của trung tâm thương mại.
Một người đàn ông tầm 30 tuổi, giới thiệu tên Hong L.Chen, giám đốc kinh doanh một công ty thương mại dịch vụ trong ngành dệt sợi của Trung Quốc, văn phòng đặt tại lầu 5 tòa nhà nhỏ trên đường Lê Lợi (Q.1, TP.HCM), cho biết công ty mở văn phòng mới đầu năm nay, nhưng làm ăn với thị trường VN đã gần chục năm rồi.
“Chủ yếu kết nối với các nhà kinh doanh ngành hàng thời trang là người Trung Quốc đang kinh doanh tại VN, liên tục chào mẫu mã mới trực tiếp hằng tuần, rồi nhận và chuyển đơn hàng sang nhà máy của công ty ở Trung Quốc để sản xuất, đưa hàng về VN cho khách. Đội ngũ thiết kế thời trang của chúng tôi là những bạn trẻ, luôn cập nhật 24/24 những mẫu thời trang thế giới và có hàng ngay sau 3 - 5 ngày đặt hàng”, Hong L.Chen cho biết.
Tăng hơn 5 lần sau 5 năm
Doanh nghiệp (DN) của ông Hong L.Chen là một trong hơn 235 DN Trung Quốc có vốn đầu tư vào VN trong 3 tháng đầu năm nay. Thống kê từ Bộ KH-ĐT cho thấy, Trung Quốc nổi lên như nhà đầu tư với nguồn vốn lớn, đứng thứ 3, vượt mặt các nhà đầu tư lớn lâu nay ở VN như Nhật, Anh, Mỹ, Đài Loan. Cụ thể, trong quý 1, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ vào VN 823,6 triệu USD, với 58 dự án đăng ký mới và 177 lượt góp vốn mua cổ phần, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư. Dẫn đầu trong quý 1 là Hàn Quốc (hơn 3,7 tỉ USD) và Singapore (hơn 910 triệu USD).
Trước đó, trong tháng 1, các nhà đầu tư từ Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản trong bảng xếp thứ hạng các nhà đầu tư nước ngoài vào VN, lên vị trí thứ 3 và đến tháng 2, vượt Hàn Quốc lên vị trí thứ 2. Nếu so với cùng kỳ tháng 3.2016, đầu tư Trung Quốc chỉ đứng thứ 6 trong 40 đối tác đầu tư vào VN với số vốn chỉ hơn 1/3 số vốn hiện tại là 290 triệu USD.
5 năm trở lại đây, vốn từ Trung Quốc có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu năm 2012, Trung Quốc xếp vị trí thứ 13 trong số 100 đối tác đầu tư vào VN, với hơn 2 tỉ USD thì đến cuối 2016, con số này đã vượt 10,5 tỉ USD.
Vốn đầu tư Trung Quốc vào VN qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần DN VN. Trong 3 tháng đầu năm, vốn Trung Quốc đổ vào VN qua hình thức góp vốn mua cổ phần, thâu tóm (M&A) DN VN trong lĩnh vực chế biến chế tạo, dệt nhuộm… tăng mạnh.
Chuyên gia M&A Nguyễn Nam Sơn nhận xét, tốc độ mua cổ phần DN Việt của các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ sau Hàn Quốc. Nếu tính về lượt mua cổ phần của DN Việt trong quý 1 năm nay, các nhà đầu tư Trung Quốc có 177 lượt, Đài Loan hơn 110 lượt, Hàn Quốc 287 lượt, Nhật Bản gần 100 lượt và Singapore, Mỹ chỉ trên dưới 40 lượt.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI từ Trung Quốc vào VN chủ yếu tập trung các ngành dệt may, da giày, bất động sản, xây dựng, nhiệt điện và khai khoáng… Đặc biệt trong đó có 2 dự án trên trăm triệu USD là nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp billion VN (đầu tư 220 triệu USD tại Tây Ninh), đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt (150 triệu USD tại Bắc Giang).
Liên quan đến việc gia tăng nguồn vốn từ Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR), nhận định: “Xuất phát từ việc đón đầu ưu đãi thuế nhập khẩu từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, khi TPP chưa chắc chắn như kỳ vọng, nguồn vốn này vẫn ít sụt giảm do lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của quốc gia này không thay đổi. Không TPP, VN cũng đã ký kết FTA với khối EU, thuế suất mặt hàng vải sợi, da giày... sẽ từ 8% về 0% sau 6 năm ký kết có hiệu lực. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để Trung Quốc chuyển hướng đầu tư các lĩnh vực này sang VN. Một số ngành như thép hoạt động đầu tư sang VN có thể nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thậm chí tránh bị chú ý điều tra cũng là cách nhà đầu tư Trung Quốc tính toán”.
Khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất sẽ tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm rất cao |
Cẩn trọng môi trường
TS Phạm Sỹ Thành đưa ra 5 vấn đề liên quan đến nguồn vốn từ FDI từ nghiên cứu của VEPR. Đó là nguồn vốn từ quốc gia này thường nhỏ, quy mô các dự án vốn đầu tư FDI Trung Quốc đều rất nhỏ, chủ yếu được thực hiện bởi các DN nhỏ, ít có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn.
Theo đó, quy mô trung bình của các dự án Trung Quốc tại VN khoảng 7,7 triệu USD, bằng 50% mức trung bình một dự án của các nhà đầu tư khác - khoảng trên 14 triệu USD. Thứ hai, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện của các DN Trung Quốc chậm và thấp, chỉ đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong khi tỷ lệ chung của các khu vực FDI đạt xấp xỉ 50%. Thứ ba, mặt bằng tiền lương của DN Trung Quốc thường thấp hơn các DN nước ngoài khác.
Các ngành đầu tư cũng thuộc dạng thâm dụng vốn, máy móc tự động là chính nên nhu cầu sử dụng lao động tại VN cũng thấp. Và cuối cùng, vấn đề về môi trường là vấn đề cực kỳ đáng chú ý. Theo ông Thành, các ngành Trung Quốc đầu tư tại VN đều là các ngành không thuộc nhóm có công nghệ tiên tiến. Tập trung chủ yếu ở dệt, nhuộm, sợi, thép... là những ngành có mức độ gây ô nhiễm môi trường ở mức độ lớn và rộng.
GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng sự gia tăng vốn đến từ đầu tư đều có ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm. Sẽ thiếu khách quan nếu chỉ cho rằng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chỉ có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, việc có 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng được Bộ Công thương mới đây đặt mục tiêu phải xử lý thì có đến gần 2/3 dự án liên quan đến thiết bị công nghệ từ Trung Quốc. Vì vậy, phải hết sức lưu ý đến vấn đề này.
Còn theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Trí Hiếu, không nên có sự phân biệt, nhưng với nguồn vốn đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng môi trường cao, phải hết sức cẩn trọng và có đánh giá tác động môi trường kỹ trước khi cấp phép. Không nên thấy cái lợi trước mắt để rồi vướng tiếp sai lầm và trả giá bằng môi trường trong tương lai.
Theo Thanh Niên