Chiều 7/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của Ninh Bình, “một tỉnh nhỏ làm được nhiều việc lớn”, đặc biệt là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đứng vào tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Ấn tượng nhất là Ninh Bình có bước đi đúng hướng, chọn du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn với khu du lịch nổi tiếng Bái Đính-Tràng An.
Thủ tướng thăm nhà máy ôtô Thành Công tại Ninh Bình. |
Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của Ninh Bình như quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn. Tỉ lệ dân số phụ thuộc nông nghiệp còn lớn, gần 70%. Chưa khai thác đầy đủ, hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch; Lợi ích thu được từ du lịch còn thấp, khách lưu trú chưa nhiều; chưa trở thành hình mẫu về phát triển bền vững du lịch. Số lượng doanh nghiệp còn thấp (bình quân 228 người dân/doanh nghiệp trong khi bình quân cả nước khoảng 140 người dân/doanh nghiệp).
Yêu cầu Ninh Bình quán triệt tinh thần quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, trước hết phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2017, Thủ tướng gợi mở tầm nhìn về phát triển cho tỉnh. Đó là cần quyết tâm xây dựng Ninh Bình thành tỉnh giàu có toàn diện, dựa trên nền tảng phát triển trung tâm du lịch độc đáo, tầm cỡ khu vực và quốc tế, đại diện xứng đáng cho thương hiệu du lịch Việt Nam, phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ chất lượng cao, công nghiệp không ô nhiễm và làng nghề truyền thống, phát triển nền nông nghiệp đa dạng, chất lượng cao và an toàn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế, kể cả đưa doanh nghiệp về nông thôn. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có tối thiểu 10.000 doanh nghiệp, gấp đôi hiện nay.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tăng cường quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch đất đai, tài nguyên và phát triển đô thị. Trong đó, giữ gìn phát huy khu Bái Đính-Tràng An tiếp tục thành khu du lịch tâm linh, sinh thái nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Quy hoạch phát triển Ninh Bình dựa trên các lĩnh vực mũi nhọn phải có tầm nhìn xa, có chiều sâu, không mâu thuẫn cản trở lẫn nhau, đặc biệt là phát triển du lịch và phát triển công nghiệp. Các ngành kinh tế phải hỗ trợ nhau phát triển, không mâu thuẫn, chồng chéo, thụ hưởng được tài nguyên của nhau. Quy hoạch đó phải kết nối nền kinh tế Ninh Bình với nhiều trọng điểm kinh tế của đất nước.
“Muốn sản xuất ôtô thì phải liên kết với Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và các trung tâm kinh tế để phân công sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ nhau cùng phát triển”, Thủ tướng trao đổi.
Thủ tướng: "Bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình rất lớn, tỉnh cần xem xét tận dụng cơ hội để quảng bá xúc tiến du lịch". |
Để có kết nối đó, phải tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối thông suốt, thuận lợi với các địa phương trong vùng, các trung tâm kinh tế của cả nước.
Đi liền với đó là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, coi đây là một bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chứ không phải phát triển theo bề rộng.
Thủ tướng nhấn mạnh du lịch phải trở thành động lực phát triển của tỉnh. Muốn vậy, tỉnh phải làm rất nhiều việc về hạ tầng, nguồn nhân lực, phải có thêm nhiều khách sạn, chứ không phải bán vé lấy tiền rồi để du khách về Hà Nội hay các nơi khác lưu trú.
Tỉnh cũng cần tính toán một chiến lược hàng lưu niệm, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình rõ nét hơn. Cho rằng bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình rất lớn, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh cần xem xét tận dụng cơ hội để quảng bá xúc tiến du lịch.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Xác định rõ đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Ninh Bình để vừa nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa tăng thêm tính hấp dẫn cho một trung tâm dịch vụ-du lịch hàng đầu.
Ninh Bình cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, từ tỉnh đến huyện, xã. Phải là một mẫu hình của chính quyền đối thoại, lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp, người dân. Phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAPI) và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Lấy kết quả cụ thể về phát triển doanh nghiệp, số việc làm mới tạo ra, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… là những trụ cột để đánh giá hiệu quả chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm một thước đo trong đánh giá cán bộ, công chức.
Quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, phát triển y tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị cụ thể của tỉnh Ninh Bình với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển hơn nữa.
Trước đó, sáng 7/4, trong chuyến công tác tại Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy ôtô của Tập đoàn Hyundai Thành Công.
Làm việc với lãnh đạo Tập đoàn, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn cố gắng sản xuất phụ tùng quan trọng nhất, cần thiết nhất, kể cả động cơ. Cùng với thị trường trong nước, cần hướng tới xuất khẩu. Cần tiếp tục xây dựng đội ngũ khoa học công nghệ, theo đó, cần đặt hàng các trường đại học về nhân lực. Trong hội nhập quốc tế, cần xác định tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất ôtô.
Về các kiến nghị của Tập đoàn, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Công Thương thành lập tổ công tác để khảo sát, có chính sách phát triển ngành ôtô, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ, với tinh thần là chính sách đó vừa phù hợp thông lệ quốc tế, không bao cấp nhưng vẫn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ôtô Việt Nam.
Cũng trong chuyến công tác tại Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tố, tại phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình; thăm ông Hà Văn Cộng, cán bộ lão thành cách mạng tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn.
Theo Dân Trí