Đường sắt xin cấp 7.000 tỷ đồng để làm gì?

Thứ hai, 10/04/2017, 09:51
Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xin cấp 7.000 tỷ đồng. Tân Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nói gì về các biện pháp xoay xở để đưa ĐSVN thoát cơn khủng hoảng?  

Ông Vũ Anh Minh.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ cấp 7.000 tỷ đồng cho đường sắt, số vốn nếu có này dự kiến làm gì, thưa ông?

Đường ray từ Hà Nội đi Đà Nẵng chỉ chịu được tải trọng là 4,2 tấn/m, từ Đà Nẵng vào TP.HCM là 3,6 tấn/m rất bất lợi cho đường sắt. Vì thế, cần vốn đầu tư chủ yếu tập trung nâng tải trọng đồng đều lên 4,2 tấn/m thông qua cải tạo cầu yếu, hầm yếu, các cung đường yếu. Tiếp theo là kéo dài đường ray trong ga để nối dài số toa tàu từ 19 lên 25 toa.

Điều chúng tôi muốn thực hiện nhất là kêu gọi đầu tư bên ngoài. Ngay tháng 4 này, chúng tôi ký kết với Tổng Cty Tân Cảng Sài Gòn xây 2 cảng cạn (ICD) tại Sóng Thần (Bình Dương) và Đông Anh (Hà Nội). Đây là doanh nghiệp quân đội, chiếm tới 50% thị phần container của cả nước, chiếm 90% thị phần container Sài Gòn, hy vọng mang lại đột phá về vận tải hàng hoá của đường sắt.

Với vận tải hành khách, chúng tôi ký hợp tác với các hiệp hội du lịch, các hiệp hội doanh nghiệp để tăng khách hàng, tăng cường quảng bá.

Ngành Đường sắt sẽ đổi màu sơn tàu hỏa?

Nhằm tạo sự thân thiện với hành khách, chúng tôi sẽ sử dụng màu xanh hòa bình kết hợp với màu trắng để tạo sự tươi mới, gần gũi, thân thiện. Các đoàn tàu mới đóng ở Nha Trang, Dĩ An đã được sơn mới. Chúng tôi đang nghiên cứu thực hiện việc sơn lại toàn bộ vỏ tàu bằng việc kêu gọi các nhà tài trợ và đổi lại cho họ quyền quảng cáo trên tàu.

Sau một tháng nhận nhiệm vụ mới, ông đã đưa ra chiến lược gì để kéo khách quay về với đường sắt?

Hội đồng thành viên thống nhất mục tiêu lớn nhất là khai thác an toàn, tối đa hạ tầng, đoàn tàu hiện có. Có 3 nguyên tắc để thực hiện mục tiêu này: Cung ứng những gì xã hội cần; Đóng tàu vì mục tiêu có bao nhiêu khách, không phải để có bao nhiêu chỗ; Tập trung vận tải khách trên các tuyến ngắn có hiệu quả, phát triển vận tải hàng hoá trên chặng dài.

Cụ thể việc tập trung chặng ngắn thế nào, thưa ông?

Hiện, tàu giữa Hà Nội - Sài Gòn hàng trăm chỗ, nhưng chỉ có 15-20 người đi hết chặng. Tàu đẹp, giờ đẹp lại tập trung cho các chuyến dài, trong khi, khách đi tuyến ngắn 5- 6 tiếng cần chọn giờ đẹp. Ví dụ, từ Hà Nội đến TP.Vinh, khách cần đến lúc gần trưa để nhận phòng khách sạn tại Vinh và Cửa Lò luôn, thay vì “bơ vơ” lúc 4h hoặc 5h như hiện nay. Khách đi chặng dài 30 giờ họ không quá quan trọng điều đó.

Tới đây, tàu đẹp, giờ đẹp sẽ dành cho các tuyến ngắn, trước hết là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Phải chăng đường sắt không dám cạnh tranh trên chặng dài với hàng không vì giá thành cao?

Chúng tôi chọn phân khúc có lợi thế nhất. Giá vé giữa TP.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh rẻ hơn hàng không. Với hàng không, thời gian di chuyển giữa thành phố ra sân bay, thời gian chờ và thời gian bay, mỗi chuyến ít nhất 4-5 tiếng.

Với chặng ngắn của đường sắt, thời gian 5-6 tiếng vẫn cạnh tranh được. Ưu điểm đường sắt là an toàn, đúng giờ, ga đường sắt nằm ở các trung tâm. Tuy nhiên, để thu hút khách cần có dịch vụ tốt.

Chúng tôi chuẩn bị bán vé 2 trong 1. Chẳng hạn khi tàu vào Vinh, chúng tôi sẽ phục vụ ôtô đưa khách xuống Cửa Lò. Khách mua vé sớm rẻ hơn, vé có thể đổi và không thể đổi, có cả vé tặng cho người có sức ảnh hưởng, quảng bá cho đường sắt… cũng sẽ được áp dụng tựa như hàng không.

Trên chặng dài, chúng tôi sẽ “ép” giá bình quân của đường sắt thấp hơn hàng không thông qua quản trị, chống thất thoát, tiêu cực.

Cảm ơn ông.

“Hành khách đã bỏ đường sắt, nay mời họ quay lại cần cả một quá trình. Phải có nhiệm kỳ xây thì mới có nhiệm kỳ thụ hưởng”.

Ông Vũ Anh Minh

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn