|
Khu vực hạt nhân Voglte 3 được xây dựng bởi Westinghouse |
Theo The New York Times, tập đoàn Toshiba đã mua lại Westinghouse, một nhà máy điện hạt nhân có trụ sở đặt tại Pennsylvania (Mỹ) vào năm 2006. Tuy nhiên, sau hơn một thập niên, thương vụ Westinghouse đã trở thành một “quyết định kinh doanh sai lầm” của “đại gia” công nghệ Nhật Bản. Hội đồng quản trị Toshiba mới đây đã phải đệ đơn xin phá sản, đồng thời rao bán mảng kinh doanh năng lượng hạt nhân Westinghouse tại Mỹ sau khi chịu khoản thua lỗ 6,3 tỉ USD.
Lý do Trung Quốc muốn có Westinghouse
Trung Quốc ngày càng cho thấy quyết tâm muốn phát triển nhanh chóng mảng năng lượng hạt nhân. Cụ thể, nước này có hơn 20 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng điện mà Đại lục có thể sản xuất tại các nhà máy trong vòng 3 - 4 năm tới.
Nhưng khi xét về mặt công nghệ, Trung Quốc lại thua kém so với phương Tây. Hầu như tất cả lò phản ứng tiên tiến nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều đang được xây dựng bởi các nhóm chuyên gia và công ty nước ngoài, trong đó có cả Westinghouse.
Do đó nếu muốn vươn lên vị trí cường quốc về năng lượng hạt nhân, Trung Quốc phải nắm được thế chủ động, không chỉ về số lượng nhà máy mà còn phải thật sự làm chủ được chất lượng công nghệ. Theo nhiều nguồn tin, Westinghouse được cho là đã bị các gián điệp Đại lục tấn công. Vì thế, nếu thương vụ mua lại Westinghouse thành công, Trung Quốc có thể có được bí mật công nghệ mà không cần phải dùng tới “áo choàng” và “dao găm”.
Tại sao Mỹ lên tiếng phản đối?
Tuy chính quyền Tổng thống Trump không giải thích cặn kẽ lý do tại sao họ không muốn Trung Quốc sở hữu Westinghouse, nhưng theo các chuyên gia, một phần quan ngại này là do ảnh hưởng về kinh tế. “Sự phục hưng năng lượng hạt nhân” đã bị trì hoãn tại hầu hết các nước phương Tây trong thời gian qua, trong khi Đại lục ngày càng giàu có và đầy tham vọng. Một chương trình năng lượng hạt nhân tiên tiến hoàn toàn có thể giúp nước này tiến xa và chiếm ưu thế hơn Mỹ trong tương lai.
Bên cạnh đó, an ninh cũng là mối quan tâm lớn của Washington. Mặc dù Westinghouse không sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng chính quyền ông Trump sợ rằng Trung Quốc có thể tìm cách sử dụng công nghệ của công ty để cải tiến kho vũ khí hạt nhân, một trụ cột về sức mạnh quân sự đang ngày càng mạnh của quốc gia châu Á này.
Liệu Nhật và Mỹ có thể làm gì để ngăn các nhà đầu tư Trung Quốc?
Được biết trong thương vụ này, Nhật Bản thận trọng với Trung Quốc hơn là so với Mỹ. Chính phủ Tokyo cũng không muốn thấy Đại lục có được công nghệ của Westinghouse. Điều này có nghĩa là Nhật Bản chắc chắn sẽ hoan nghênh động thái của chính quyền Trump trong việc ngăn chặn cuộc đấu thầu từ phía Trung Quốc.
Song lãnh đạo của Westinghouse vẫn được quyền có sự lựa chọn của riêng mình. Nếu bỏ qua các nhà đầu tư Trung Quốc, có thể họ sẽ mất các cơ hội lớn về mặt kinh tế, đặc biệt trong điều kiện khi công ty đang phải đối mặt với sự phá sản.
TheoThe New York Times,trong vụ việc này, bên ngoài Westinghouse, chỉ có Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) và Tổng thống Mỹ mới có quyền đề xuất, xem xét hoặc ngăn chặn các thương vụ mua lại xuyên biên giới có liên quan đến an ninh quốc gia đối với những công ty có trụ sở đặt tại xứ cờ hoa.
Theo Thanh Niên